Tài chính quốc tế

Vụ cựu điệp viên Nga: Dân Anh không đồng tình với cách hành xử của Chính phủ

(VNF) - Đại sứ quán Nga tại Anh mới đây đã công khai một số bức thư của người dân Anh bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với những nhà ngoại giao Nga và thể hiện sự không đồng tình với cách hành xử của Chính phủ họ trong vụ cựu điệp viên Sergei Skripal.

Vụ cựu điệp viên Nga: Dân Anh không đồng tình với cách hành xử của Chính phủ

Nhiều người dân Anh tỏ ra ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và gọi bà Theresa May là người "vô trách nhiệm".

Đại sứ quán Nga tại Anh đã nhận được rất nhiều thư của công dân Anh trong thời điểm căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trong thời gian vừa qua. Theo đó, nhiều người dân Anh không đồng tình với London trong "vụ việc Skripal" và cho rằng tất cả những buộc tội đối với Nga đều là "sự bịa đặt".

"Thay mặt người dân Anh, tôi chỉ có thể nói lời xin lỗi, tôi nghĩ các bạn hoàn toàn vô can trong vụ đầu độc ở Salisbury", đoạn trích dẫn trong một lá thư được Đại sứ quán Nga công bố trên Twitter.

Đại sứ quán Nga tại Anh công khai một số bức thư của người dân Anh trên Twitter.

Trong một lá thư khác, một công dân Anh viết: "Tôi rất lấy làm tiếc về cách hành xử của Chính phủ chúng tôi trong vụ Skripal. Tôi tin rằng đây là âm mưu nhằm làm mất uy tín của nước Nga và đánh lạc hướng dân chúng khỏi các vấn đề nội bộ của chúng tôi, như tình hình tội phạm rất nghiêm trọng ở London và các khu vực khác, cũng như tình hình chính trị bất ổn do việc rời khỏi Liên minh Châu Âu".

Nhiều bức thư bày tỏ sự thiện cảm với Chính phủ Nga và cá nhân ông Putin, đồng thời gọi Thủ tướng Anh - bà Theresa May là người "vô trách nhiệm".

Trong một diễn biến liên quan khác, theo truyền thông Anh, cơ quan điều tra nước này đã xác định được danh tính những "nghi phạm" đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal ngày 4/3.

Cảnh sát và tình báo Anh cho biết, manh mối được thu thập từ danh sách chuyến bay rời Anh sau vụ đầu độc. Hiện danh tính của những người này vẫn chưa được công bố. Các nguồn tin nói "nghi phạm" hiện đã trở về Nga.

Nga bác bỏ kết luận mới nhất của OPCW

Sau khi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tuyên bố không tìm thấy chất BZ trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia tại Salisbury (Anh); phía Nga đã tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này.

"Chúng tôi không quan tâm đến tuyên bố của OPCW vì nó không phù hợp với những dữ liệu mà chúng tôi có được trước đó, đây là một vấn đề gây tranh cãi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định,

Trước đó, trong một tuyên bố ngày 14/4, Ngoại trưởng Nga Lavrov trích dẫn kết quả phân tích của phòng thí nghiệm Speiz của Thụy Sĩ cho biết, chất độc được sử dụng với điệp viên Skripal và con gái Yulia là 3-Quinuclidinyl benzilate hay còn có tên viết tắt là BZ.

Chất độc này nằm trong tay Mỹ, Anh và các quốc gia NATO khác nhưng chưa từng được sản xuất tại Nga, Ngoại trưởng Nga cho biết thêm.

Nga một lần nữa bác bỏ kết luận của OPCW.

Phòng thí nghiệm Spiez là cơ quan hợp tác với London trong việc phân tích chất độc hóa học sử dụng trong vụ tấn công trên và gửi kết quả về cho OPCW.

Đây dường như là manh mối quan trọng để "minh oan" cho Nga, tuy nhiên, kết luận mới nhất của OPCW dường như xóa bỏ hoàn toàn hy vọng này.

Phản ứng hoài nghi của Nga trước tuyên bố của Tổ chức OPCW sẽ tiếp tục dấy lên tranh cãi giữa các bên liên quan là Anh và Nga. Cả hai nước luôn có những cáo buộc và nghi ngờ nhau kể từ khi vụ việc xảy ra.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.

6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Ông cùng con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng nguy kịch ở thành phố Salisbury, Anh, hôm 4/3, do bị tấn công bằng chất độc.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục các quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bác bỏ cáo buộc, Nga cũng đáp trả tương xứng với quyết định trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây đồng thời cảnh báo các động thái của phương Tây có thể đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) ngày 3/4 cho biết cơ quan này xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự nhưng không xác định được nguồn gốc chính xác.

Cho tới nay, Anh vẫn từ chối cung cấp bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc Skripal. Anh cũng từ chối điều tra chung với Nga về vụ việc này.

> Hoài nghi Triều Tiên tuyên bố ngừng thử hạt nhân

Tin mới lên