Vụ lừa đảo 15.000 tỷ bằng tiền ảo iFan: Bộ Công an chính thức điều tra

Lệ Chi - 24/05/2018 14:54 (GMT+7)

(VNF) - Liên quan đến vụ lừa đảo bằng tiền ảo iFan của Công ty Cổ phần Modern Tech tại TP. HCM khiến 32.000 người bị thiệt hại 15.000 tỷ đồng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chính thức vào cuộc điều tra.

VNF
Bộ Công an chính thức vào cuộc điều tra vụ lừa đảo 15.000 tỷ bằng tiền ảo iFan

Ngày 21/5, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp Công an TP. HCM điều tra hành vi liên quan đến việc kêu gọi nhà đầu tư mua iFan, Pincoin của nhóm thành lập Modern Tech.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận định, hành vi nêu trên của Modern Tech là hình thức kinh doanh đa cấp sử dụng tiền số iFan, vì vậy phải sớm điều tra việc hưởng lợi của các cá nhân nói trên, thiệt hại của các nhà đầu tư.

Như VietnamFinance đã thông tin trước đó, ngày 8/4/2018 trên Facebook đăng tải hình ảnh hàng chục người kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech căng băng rôn tố cáo Modern Tech và nhóm phát triển iFan, Pincoin lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 15.000 tỉ đồng và "cầu cứu" cơ quan chức năng vào cuộc.

Sau đó, một số bị hại đã gửi đơn tố cáo ông Vũ Hữu Lợi (người đồng sáng lập, kiêm Giám đốc phát triển iFan Quốc tế) và nhóm sáng lập Modern Tech đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Theo tố cáo của người dân, Modern Tech, iFan và Pincoin là dự án huy động vốn gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính. Tuy nhiên, iFan gắn mác dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ.

Người đứng ra kêu gọi huy động vốn là ông Lê Ngọc Tuấn (sinh năm 1983), đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo và phát triển Marketing quốc tế của iFan.

Đáng chú ý, iFan cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là mô hình kinh doanh "đa cấp" theo kiểu kim tự tháp.

Bằng kịch bản trên, iFan dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân khác cùng tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng tiền vốn. Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào iFan.

Ngày 11/4/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ lừa đảo tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo công văn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo 6 bộ, ngành bao gồm: Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý “Vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng”.

>>> Xem thêm: ‘Ăn theo’ vụ lừa đảo 15.000 tỷ bằng tiền ảo, doanh nghiệp ‘tranh thủ’ quảng cáo... condotel

Cùng chuyên mục
Tin khác