‘Vua cá tra’ Hùng Vương đang mất cân đối vốn nghiêm trọng

Hoàng Lan - 20/04/2018 16:21 (GMT+7)

(VNF) – Năm 2017, các dự án của Hùng Vương (HoSE: HVG) chỉ được ngân hàng giải ngân 484 tỷ đồng, bằng 1/3 giá trị cam kết. Công ty này đã phải bỏ ra 640 tỷ đồng trích từ nguồn vốn ngắn hạn để triển khai dự án. Điều này gây ra tình trạng mất cân đối vốn nghiêm trọng cho công ty.

VNF
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HVG

Thông tin trên được ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Hùng Vương chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 tổ chức hôm nay (20/4).

Tại đại hội, ông Minh cũng đã trình bày trước toàn thể đại hội về kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ công ty trong năm 2018.

Theo ông Minh, năm 2017, tình hình kinh doanh của công ty tương đối bết bát khi lỗ hợp nhất gần 713 tỷ đồng. Nguyên nhân của khoản lỗ này là do hiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng khiến 11 nhà máy với 15.000 lao động phải hoạt động cầm chừng, ước tính giảm tới 50% công suất.

Nguyên liệu không đủ, chi phí cố định lớn, cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất... tất cả đã làm cho giá thành sản xuất tăng 30%.

Đặc biệt, vốn ngắn hạn của công ty bị thiếu do việc triển khai dự án nhà máy thức ăn Long An và dự án nuôi heo. Theo ông Minh, các công trình dự án đều có cam kết từ phía ngân hàng. Tuy nhiên năm 2017, giá heo tụt xuống khiến các ngân hàng e ngại nên chậm giải ngân.

Cụ thể, tổng số vốn phía ngân hàng cam kết tài trợ cho các dự án là 1.500 tỷ đồng, tương ứng 70% giá trị đầu tư các dự án nhưng thực tế mới chỉ giải ngân được 484 tỷ đồng, nghĩa là chưa được 1/3 giá trị cam kết.

HVG đã phải bỏ ra 640 tỷ đồng trích từ nguồn vốn ngắn hạn để đảm bảo dự án được triển khai như kế hoạch. Điều này gây ra tình trạng mất cân đối vốn nghiêm trọng cho công ty.

Năm 2018, HVG lên kế hoạch thoái vốn từng phần để lui về hoạt động chính trong mảng nuôi trồng và chế biến cá tra, còn lại sẽ bán đi hoặc chuyển giao cho đối tác.

Tại thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018, HVG đã công bố bán một số bất động sản như lô đất 765 Hồng Bàng và 94 Phạm Đình Hổ tại TP. HCM. Tổng cộng giá trị nhận lại của hai lô đất này khoảng 565 tỷ đồng, trong đó vốn là 283 tỷ đồng (HVG nắm 65% vốn của hai miếng đất này).

Ở mảng kinh doanh chính của mình là xuất khẩu cá tra, HVG cũng đang quy hoạch lại vùng nuôi. Theo đó, HVG dự kiến bán bớt một số vùng nuôi xa khu vực quản lý và chỉ giữ lại khoảng 1.200 ha.

Dự kiến việc bán bớt vùng nuôi cũng sẽ mang về cho HVG một dòng tiền mặt đáng kể. Một số diện tích bán đi được 1 tỷ đồng/ha trong khi giá vốn chỉ vài trăm triệu/ha.

Đối với việc chuyển nhượng công ty chăn nuôi Việt Thắng, HVG đã bán 47% vốn với giá gấp đôi (giá hiện nay 7.000 đồng/cổ phiếu) cho Vingroup.

Công ty Việt Thắng cũng đã từng được đối tác Hàn Quốc trả 450 tỷ đồng vào năm 2015 nhưng vướng phải nhiều yếu tố nên hợp đồng phải dừng lại.

Theo ông Dương Ngọc Minh, việc hợp tác với Vingroup mở ra cho HVG nhiều hướng lựa chọn hơn.

"Quan điểm của Vingroup muốn hỗ trợ tối đa cho hoạt động của Hùng Vương. Hùng Vương có thoả thuận với Vingroup trong thời gian 5 năm, bất cứ lúc nào nếu Hùng Vương muốn mua lại phần Vingroup đã đầu tư thì Vingroup sẽ cho phép Hùng Vương mua lại".

Cũng theo ông Minh, trong thời gian hoạt động sắp tới, nếu Việt Thắng có vướng về vốn thì Vingroup sẽ hỗ trợ chứ không hẳn là mua đứt bán đoạn.

Đồng thời, dự án nuôi heo của Việt Thắng cũng được tách ra để bán cho đối tác khác chứ không phải Vingroup.

Cùng chuyên mục
Tin khác