Xác thực sinh trắc học: Tắc nghẽn do lượng giao dịch tăng 10-20 lần

Khánh Tú - 04/07/2024 12:35 (GMT+7)

(VNF) - Sau 3 ngày thực hiện sinh trắc học, tính đến 17 giờ chiều 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ công an.

Con số này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đưa ra tại Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng" sáng 4/7.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ thị, liên tục có văn bản chỉ đạo và gần đây nhất là Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345).

Song trong ngày đầu triển khai, nhiều người dân vẫn gặp khó khăn trong quá trình xác thực sinh trắc học.

Giải thích về những bất cập này, ông Dũng cho biết: “Trong ngày đầu Quyết định số 2345 có hiệu lực (1/7/2024), số lượng giao dịch tại các ngân hàng tăng từ 10 - 20 lần so với ngày bình thường, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao dịch tại một số ngân hàng. "Khi công suất tăng gấp 10 - 20 lần thì khó tránh khỏi việc ách tắc cục bộ”, ông nói.

Toàn cảnh hội thảo.

“Tuy nhiên, đến nay cơ bản đã ổn định và thông suốt. Những khách hàng không có căn cước công dân gắn chip đã được ngân hàng hướng dẫn và hỗ trợ khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng”, Phó Thống đốc khẳng định.

Chia sẻ thêm về Nghị định 2345, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Quyết định 2345 bản chất là để làm sạch tài khoản ngân hàng, xóa các tài khoản không chính chủ. Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ, ngân hàng không bỏ một bước bảo mật nào, nên chỉ an toàn hơn cho khách hàng".

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng: “Nghị định 2345 là một trong những giải pháp có tính căn cơ, mang lại tác động lớn, giúp hệ thống ngân hàng đối phó với tội phạm mạng, nhất là trong bối cảnh lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp hơn”.

Cũng tại Hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị không chỉ những giao dịch trên 10 triệu đồng mà người dân còn nên cài sinh trắc học cho tất cả các giao dịch nhỏ lẻ khác, dưới 10 triệu đồng.

“Nghị định 2345 là vô cùng cần thiết và an toàn trong bối cảnh lừa đảo gia tăng như hiện nay, chặn đứng tình trạng lừa đảo. Người dân chỉ cần xác thực 1 lần nhưng mang lại lợi ích lâu dài và mang lại lợi ích nhiều hơn rủi ro. Do đó, chúng ta nên tự giác áp dụng sinh trắc học cho mọi giao dịch để có thể tự bảo vệ tài khoản của chính mình”, ông nói.

Trước đó, ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ 01/7/2024.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, từ 1/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Cùng chuyên mục
Tin khác