'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tháng 4/2020, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden và chỉ ra loạt sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) cũng như trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương.
Theo đó, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án Vườn Vạn Tuế mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, Công ty Đại Hưng đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các hạng mục công trình trên khu đất thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch tuynel cũ.
Đặc biệt, Công ty Đại Hưng đã tiến hành "xây chui, bán trộm" hơn 200 căn biệt thự, nhà phố có diện tích từ 80 - 200m2/căn.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, Công ty Đại Hưng đã ký 61 hợp đồng hợp tác đầu tư nguyên tắc. Trong năm 2018, 2019, doanh nghiệp này đã thực hiện 43 căn hộ (trong đó có 42 căn hộ đã chuyển thành hợp đồng mua bán nhà). Tổng số tiền thu được là hơn 244 tỷ đồng.
"Việc Công ty Đại Hưng thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng mua bán nhà ở khi dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định là vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ”, kết luận thanh tra nêu.
Thanh tra tỉnh Hưng Yên cũng chỉ ra, trong năm 2017 và 2018, Công ty Đại Hưng ký hợp đồng hợp tác đầu tư nguyên tắc, hợp đồng mua bán nhà với tổng số tiền hơn 236 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Đại Hưng mới hạch toán vào sổ sách hơn 26 tỷ đồng. Số tiền còn lại là gần 210 tỷ đồng chưa phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Hưng Yên cũng phát hiện Công ty Đại Hưng đã ký hợp đồng mua bán nhà tại dự án Vườn Vạn Tuế, thu tiền hơn 123 tỷ đồng của khách hàng nhưng chưa viết hóa đơn bán hàng là vi phạm quy định của Bộ Tài chính.
Cũng theo Kết luận thanh tra, trong việc để xảy ra các sai phạm trên, có trách nhiệm của các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường do chưa sâu sát, thực hiện chức năng chuyên ngành về thanh-kiểm tra, giám sát việc thực thiện pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, kinh doanh bất động sản của Công ty Đại Hưng; chưa kịp thời phát hiện, chưa có biện pháp kiên quyết xử lý sai phạm khi phát hiện.
Trong diễn biến gần đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên mới có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn quy trình thực hiện điều chỉnh mục tiêu dự án sang nhà ở của Công ty Đại Hưng.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Điều 14 của Luật Nhà ở 2014 thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 22 và Điều 23 của Luật Nhà ở 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14) đã quy định cụ thể về các hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.
Mặt khác, hiện nay Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 cũng thống nhất một thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó, việc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.
Bộ Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đối chiếu quy định của pháp luật nhà ở, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan để hướng dẫn Công ty Đại Hưng thực hiện điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này theo đúng quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Đại Hưng được thành lập vào ngày 2/4/2002, có trụ sở tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét.
Chỉ sau hơn một tháng thành lập, ngày 15/5/2002, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND về việc thu hồi 50.743m2 đất tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang và giao cho Công ty Đại Hưng thuê để thực hiện xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel với thời gian thuê đất 30 năm.
Sau khi Công ty Đại Hưng có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch ngói trên sang mục đích thực hiện dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden vào năm 2016, đến nay, UBND tỉnh Hưng Yên mới chỉ có công văn số 283/TB-UBND Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên "đồng ý về chủ trương" với đề xuất này...
Về tình hình kinh doanh, theo tài liệu mà VietnamFinance có được, từ năm 2016 đến năm 2019 - giai đoạn Công ty Đại Hưng có hoạt động buôn bán nhà trái quy định "tích cực" nhất, doanh thu của doanh nghiệp này rất èo uột (công ty mẹ).
Cụ thể, cuối năm 2016, Công ty Đại Hưng ghi nhận doanh thu 3,5 tỷ đồng và trong vòng 2 năm kế tiếp, doanh nghiệp không phát sinh thêm bất kì doanh số nào; đến năm 2019, Công ty Đại Hưng mới có một khoản thu vẻn vẹn 76 triệu đồng.
Tuy nhiên, trái ngược với sự ảm đạm nêu trên, doanh nghiệp lại có những khoản lợi nhuận sau thuế biến động rất dữ dội. Nếu như năm 2016, Công ty Đại Hưng có lãi sau thuế 1,2 tỷ đồng thì đến sau đó 1 năm, doanh nghiệp đã gánh lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Cuối 2018, con số lỗ này đội lên gấp hàng chục lần, lao xuống mức âm gần 30 tỷ đồng và năm 2019, doanh nghiệp "đột nhiên" giảm lỗ còn 527 triệu đồng.
Tổng tài sản trong giai đoạn này của Công ty Đại Hưng liên tiếp nảy nở, từ 33,5 tỷ đồng (năm 2016) lên mức 380 tỷ đồng (năm 2019). Đối ứng bên nguồn vốn là sự phình to của nợ phải trả, từ 16 tỷ đồng đã vượt lên ngưỡng 370 tỷ đồng; trong khi đó vốn chủ sở hữu co hẹp từ 17,5 tỷ đồng xuống còn 9,1 tỷ đồng vào cuối chu kỳ.
Với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, khoản lỗ năm 2018 đã đánh bay hoàn toàn lợi nhuận tích lũy sau gần 2 thập kỷ, khiến Công ty Đại Hưng đang lỗ lũy kế gần 20 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Kể từ giữa năm 2016 đến nay, chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Đại Hưng là ông Nguyễn Công Huy, sinh năm 1990, có địa chỉ thường trú tại phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trước đó, ông Huy tiếp nhận vị trí này từ bà Nguyễn Thị Chiến, nữ doanh nhân sinh năm 1950, thường trú tại đường Nguyễn Trãi, phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên.
Được biết, hiện bà Chiến đang là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Đại Đồng, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nam Hòa, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quang Phát... Hầu hết các doanh nghiệp này đều đang không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, duy nhất chỉ có Dịch vụ Quang Phát còn đang vận hành.
Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng từ đất sét này có tuổi đời hơn 10 năm, với vốn điều lệ 7 tỷ đồng, doanh thu của Dịch vụ Quang Phát dao động trong vùng 1-2,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thường rất mỏng, cao nhất là 151 triệu đồng và cá biệt có năm âm 466 triệu đồng.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.