Xây dựng CDC: Tổng thầu lớn nặng nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội
(VNF) - Công ty cổ phần Xây dựng CDC được biết tới là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tổng thầu thi công các công trình dân dụng và công nghiệp. Tuy nhiên, mới đây công ty vừa bị 'bêu' tên vì chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Theo danh sách công khai do Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội công bố về các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 8/2024 (số liệu tính đến hết 31/8/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/9/2024).
Trong danh sách công khai có sự xuất hiện của Công ty cổ phần Xây dựng CDC, địa chỉ tại khu nhà ở Ngân Hà Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) hiện có số tiền chậm đóng sau 2 tháng là hơn 973 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Xây dựng CDC được thành lập vào ngày 27/4/2011, tiền thân là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giám sát Xây dựng Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng nhà để ở.
Công ty cổ phần Xây dựng CDC đã thực hiện nhiều công trình lớn như: Cụm tòa nhà Mipec Rubik Xuân Thủy và khu nhà ở Mipec Kiến Hưng (Hà Đông) có tổng giá trị gần 3.700 tỷ đồng; Tòa nhà chung cư Bình Minh Garden giá trị hơn 730 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, thời gian quan, doanh nghiệp này cũng cho biết đã trúng thầu nhiều dự án như: Rubic 360 Xuân Thủy hơn 2.000 tỷ đồng; dự án Vinh Heritage - Mipec Tràng An 1.300 tỷ đồng; dự án Plaschem 93 Đức Giang 730 tỷ đồng,…
Đáng chú ý, Xây dựng CDC từng là thành viên của liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors - 1 trong 3 liên danh tham gia dự thầu siêu dự án sân bay Long Thành, do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu là Tập đoàn Xây dựng giao thông China Harbuor Engineering.
Thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập của công ty gồm: ông Lê Hồng Lĩnh (số cổ phần 200.000, tỷ lệ sở hữu 40%); Nguyễn Giang Sơn (số cổ phần 150.000, tỷ lệ sở hữu 30%) và Vũ Văn Nghĩa (số cổ phần 150.000, tỷ lệ sở hữu 30%).
Tại ngày 12/6/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 16, theo đó ghi nhận vốn điều lệ của công ty là 402,5 tỷ đồng. Như vậy, Công ty trải qua 7 lần tăng vốn từ 5 tỷ đồng lên 402,5 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 79,5 lần trong vòng hơn 13 năm.
Dữ liệu cho thấy, tại ngày 5/7/2024, Công ty cổ phần Xây dựng CDC có 6 cổ đông lớn, gồm: ông Nguyễn Tiến Đạt sở hữu 23,96% vốn điều lệ; CTCP CDC Holding sở hữu 18,63% vốn điều lệ; ông Lê Hồng Lĩnh sở hữu 8% vốn điều lệ; ông Ngô Tấn Long (Chủ tịch HĐQT) sở hữu 8% vốn điều lệ; bà Đặng Thanh Trang (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) sở hữu 8% vốn điều lệ; ông Trần Văn Trường (Phó Chủ tịch HĐQT) sở hữu 8% vốn điều lệ. Còn lại 25,41% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2024 của Công ty cổ phần Xây dựng CDC công bố, trong quý I/2024, Xây dựng CDC ghi nhận doanh thu đạt 539,82 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán hàng ghi nhận hơn 226,67 tỷ đồng, tăng gấp gần 7,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, doanh thu hợp đồng xây dựng giảm tới 43,6%, từ 553,5 tỷ đồng xuống còn 311,8 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của Xây dựng CDC đạt 10,8 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, Xây dựng CDC đặt kế hoạch doanh thu 2.426,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 48,82 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2024 với lãi đạt 10,8 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành 22,1% so với kế hoạch năm.
Tính đến ngày 30/6/2024, Xây dựng CDC có tổng cộng tài sản hơn 1.985,3 tỷ đồng, tăng 15,5% so với hồi đầu năm. Chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 1.861,4 tỷ đồng, tương đương 93,7% tổng cộng tài sản.
Điểm đáng lưu ý, trong quý I/2024, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty tiếp tục tăng 37,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 282 tỷ đồng lên 1.042,9 tỷ đồng. Trong đó, 992,6 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Thuyết minh của công ty cho biết các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng chủ yếu gồm: CTCP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thuỷ hơn 150,4 tỷ đồng; CTCP Hoá dầu Quân đội hơn 125,3 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế kỷ hơn 93,6 tỷ đồng; CTCP CDC hạ tầng hơn 99,8 tỷ đồng; Tập đoàn Đông Đô hơn 58,6 tỷ đồng, …
Hàng tồn kho tại ngày 30/6/2024 ghi nhận hơn 523,7 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng tài sản. Công ty chỉ còn hơn 1,8 tỷ đồng tiền mặt và hơn 29,79 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.
Tính đến ngày 30/6/2024, Xây dựng CDC ghi nhận nợ phải trả hơn 1.419,8 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 1.338,6 tỷ đồng, chiếm tới 94,2% nợ phải trả của công ty. Tổng nợ vay của Xây dựng CDC ghi nhận hơn 416 tỷ đồng, chiếm gần 29,3% nợ phải trả.
Vốn chủ sở hữu của Xây dựng CDC ghi nhận tại ngày 30/6/2024 hơn 565,5 tỷ đồng. Như vậy, hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty là 2,5 lần.
Bên cạnh việc kinh doanh lao dốc, trong quý I/2024, dòng tiền kinh doanh của Xây dựng CDC âm 141,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 146,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư của công ty cũng âm 45,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 121,6 tỷ đồng, chủ yếu huy động vốn mới và tăng vay nợ. Trong quý I/2024, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 65,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 12,1 tỷ đồng.
Xây dựng CDC trước ngày lên UPCoM: Kinh doanh đi xuống, nợ phải trả tăng lên
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.