Ngân hàng

Xuất hiện rửa tiền qua tài sản ảo tinh vi và phức tạp tại Việt Nam

(VNF) - Đây là cảnh báo được các chuyên gia ngân hàng và công nghệ trước thực tế Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo.

Xuất hiện rửa tiền qua tài sản ảo  tinh vi và phức tạp tại Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Hùng Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại hội nghị.

Trao đổi tại hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” ngày 20/9, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

"Những năm gần đây, tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này?", ông Hùng đặt vấn đề.

Thời gian qua, công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa do quy định pháp lý chưa đầy đủ, quy trình còn chưa hoàn thiện và thiếu nhân sự chất lượng cao trong ngành này. 

Chính vì thế, theo ông Hùng, để tăng cường phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tài sản số cần: nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam đã công nhận; các định chế tài chính cần xây dựng Quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân; chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhằm  hoàn thiện quy định pháp luật để hạn chế ngăn chặn được hành vi phạm tội. Các tổ chức tín dụng cần chuẩn bị về nhân sự và trang bị kiến thức pháp luật nào để phòng, chống rửa tiền có hiệu quả khi phải đối mặt với tội phạm mới này.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, phát biểu tại hội nghị.

Còn theo ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, do Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.

Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án Chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong bốn chương trình trọng điểm, hợp tác với Công ty Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo. ChainTracer có nhiệm vụ cung cấp giải pháp theo dõi dữ liệu blockchain onchain và offchain, phát hiện những dấu hiệu gian lận trong tài sản kỹ thuật số, và trở thành cầu nối cho người dùng tài sản truyền thống khi chuyển sang sở hữu tài sản số dựa trên công nghệ blockchain.

Mục đích của ChainTracer là nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain. Đồng thời, đây cũng là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án blockchain, cho phép giám sát chủ động và giúp tránh xung đột lợi ích trong cung cấp thông tin..

Tin mới lên