Tiêu điểm

Xuất khẩu gặp khó, Dệt may 29/3 vẫn có đơn hàng đến nửa năm

(VNF) - Trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty CP Dệt may 29/3 đạt 1.125 tỷ đồng, bằng 101% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 66,3 triệu USD, bằng 89% so cùng kỳ. Trong năm 2024, công ty đã phát triển thêm một số khách hàng mới, thị trường mới đảm bảo đủ đơn hàng sản xuất đến tháng 6.

Sáng 16/2, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thăm Công ty CP Dệt may 29/3 trong dịp sản xuất đầu năm. Báo cáo của bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may 29/3 cho biết, năm 2023 là một năm với những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của công ty suy giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thăm Công ty CP Dệt may 29/3 trong dịp sản xuất đầu năm.

Tuy nhiên, bằng những giải pháp tích cực, công ty đã từng bước khôi phục lại nhịp độ sản xuất. Trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của công ty đạt 1.125 tỷ đồng, bằng 101% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 66,3 triệu USD, bằng 89% so cùng kỳ. Thu nhập bình quân của người lao động 8,95 triệu đồng/người /tháng, bằng 103% so cùng kỳ.

Theo bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, năm 2024 dự kiến thị trường dệt may còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới chưa được hồi phục, trong khi đó xung đột chính trị phức tạp kéo dài. Song với công ty, qua những giải pháp tích cực đã củng cố thêm niềm tin với các khách hàng truyền thống, họ cam kết tiếp tục hợp tác với công ty. Công ty đã phát triển thêm một số khách hàng mới, thị trường mới đảm bảo đủ đơn hàng sản xuất đến tháng 6 năm 2024.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng biểu dương sự quyết tâm của lãnh đạo công ty đã vượt qua những khó khăn, thách thức tìm ra phương hướng cho công ty. Đặc biệt, ông Quảng đánh giá cao việc công ty chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, sạch.

Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng thăm, chúc Tết Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Báo cáo với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng cho biết, năm 2023, công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, doanh thu đạt 103,2% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 101,51% kế hoạch và đều tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện, Cảng Đà Nẵng đã triển khai thực hiện dự án đầu tư Trung tâm logistics Hòa Vang với diện tích 20ha cùng hệ thống kho bãi rộng lớn, phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Trung – Tây Nguyên và gấp rút hoàn thành Dự án bãi sau cầu cảng số 4, số 5 để sớm đưa vào khai thác đầu năm 2024. Bên cạnh đó, công ty cũng đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để sớm tham gia đầu tư vào dự án Cảng Liên Chiểu trong thời gian sắp tới.

Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng cam kết đủ kinh nghiệm và nguồn lực để được đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu đúng tiến độ, quy mô, chất lượng, hiện đại, đồng bộ với phần cơ sở hạ tầng dùng chung của thành phố, đáp ứng sự phát triển của kinh tế vùng.

Bí thư Nguyễn Văn Quảng cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ Cảng Đà Nẵng dần dần chuyển đổi công năng Cảng Tiên sa và các hoạt động của công ty trong thời gian tới.

Bí thư Nguyễn Văn Quảng cũng thăm Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, năm 2024, Ban sẽ có một số nhà đầu tư tiềm năng. Khả năng Foxlink sẽ đầu tư giai đoạn 2 và các giai đoạn tiếp theo, với tổng kinh phí lên 400 triệu USD. Tiếp đến là Công ty TNHH ICT Vina đầu tư giai đoạn 2 khoảng 277 triệu USD. Đồng thời còn có một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn của Đài Loan, Nhật Bản…

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng báo cáo tình hình thu hút đầu tư.

“Sang năm 2024, 2025 sẽ đón nhiều nhà đầu tư lớn. Vì vậy, Ban xin chủ trương điều chỉnh cục bộ Khu công nghệ cao để dành đất cho sản xuất trước mắt, sau này khi mở rộng thêm 700ha sẽ nghiên cứu tỷ lệ đất sản xuất, các khu khác cho phù hợp”, ông Hùng kiến nghị.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng quan tâm xúc tiến đầu tư, kêu gọi nhà đầu vào các lĩnh vực mà thành phố đã xác định gồm: điện tử, vi mạch bán dẫn, sản xuất các trang thiết bị y tế…

Ông Quảng cho biết, hiện có khoảng 7-8 nhà đầu tư đang quan tâm đến dự án nhà máy xử lý rác thải 1.000 tấn. Trong đó có doanh nghiệp Nhật, đầu tư nhà máy xử lý rác thải và đầu tư cả nhà máy sản xuất trang thiết bị xử lý rác thải. Nếu như vậy thì rất có lợi cho thành phố. Vì vậy, ông Quảng đề nghị Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu, định hướng về vấn đề này.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết thêm, hiện thành phố đang rà soát lại quy hoạch trong Khu công nghệ cao và sẽ cương quyết thu hồi đất các doanh nghiệp đầu tư nhưng không đưa đất vào sử dụng, đồng thời chuẩn bị kỹ các điều kiện cho việc mở rộng Khu công nghệ cao giai đoạn 2.

Tin mới lên