Xung đột Nga - Ukraine có thể giúp lợi nhuận ngành phân bón tăng phi mã nửa đầu năm

Thanh Long - 03/03/2022 09:20 (GMT+7)

(VNF) - Xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ở Châu Âu trong thời gian dài hơn. Điều này sẽ tạo cơ hội đầu tư ngắn hạn cho các cổ phiếu phân bón của Việt Nam, vốn có thể hưởng lợi từ giá bán urê cao hơn trong bối cảnh thiếu khí ở Châu Âu.

VNF
Xung đột Nga - Ukraine có thể giúp lợi nhuận doanh nghiệp phân bón tăng phi mã nửa đầu năm nay

Nhận định trong báo cáo cập nhật ngành phân bón công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho hay xung đột Nga - Ukraine gần đây có thể dẫn đến việc Nga cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Châu Âu, gây ra tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và đẩy giá lên cao hơn.

"Châu Âu phụ thuộc vào Nga về khí đốt tự nhiên trong thập kỷ qua (Nga chiếm 38% kim ngạch nhập khẩu khí đốt tự nhiên - số liệu của Eurostat). Với sự thiếu hụt khí tự nhiên dự kiến, các nhà sản xuất urê ở Châu Âu có thể hạn chế sản xuất và đẩy giá lên cao hơn", chuyên gia của SSI nhận định.

Đồng thời, Trung Quốc (nước sản xuất urê lớn nhất thế giới) vẫn đang thiếu than. Trong khi Châu Âu đang cắt giảm sản lượng urê, Trung Quốc có thể không tăng sản lượng đáng kể do mục tiêu môi trường trong dài hạn và tình trạng thiếu than hiện nay.

Theo Ngân hàng Thế giới, việc ngừng xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 22/6/2022 để đảm bảo cung cấp đủ cho tiêu dùng trong nước, trong khi hạn ngạch xuất khẩu của Nga có thể kéo dài đến tháng 5/2022. Trung Quốc và Nga chiếm lần lượt 11% và 16% lượng xuất khẩu urê toàn cầu trong năm 2019.

Do nguồn cung urê ở châu Âu dự kiến sẽ thiếu hụt, nguồn cung urê ở Trung Quốc tăng hạn chế và các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra, SSI giả định giá urê sẽ giảm với tốc độ chậm hơn từ với mức đỉnh vào tháng 12/2021.

Trên cơ sở đó, SSI dự báo trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) có thể đạt tăng trưởng ấn tượng nhờ mức giá urê thấp trong 6 tháng đầu năm 2021 và giá xuất khẩu cao trong tháng 1/2022 (giá xuất khẩu được chốt ở mức cao trong tháng 12).

Cụ thể, lợi nhuận ròng của DPM có thể tăng tới 150% trong nửa đầu năm nay, trong khi mức tăng của DCM có thể lên tới 171%.

"Điều này sẽ tạo cơ hội đầu tư ngắn hạn cho các cổ phiếu phân bón của Việt Nam, vốn có thể hưởng lợi từ giá bán urê cao hơn trong bối cảnh thiếu khí ở Châu Âu", SSI khuyến nghị.

Trong khi đó, lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái, với giả định rằng tình trạng thiếu than ở Trung Quốc sẽ giảm bớt và nông dân không thể tiếp tục chịu giá phân bón cao.

Cụ thể, mức giảm lợi nhuận ròng của DPM và DCM trong nửa cuối năm nay có thể lần lượt ở mức 73% và 56%. Lũy kế cuối năm 2022, lợi nhuận ròng của DPM có thể giảm 12% và DCM có thể giảm 5%.

Cùng chuyên mục
Tin khác