Yêu cầu Kiểm toán Nhà nước báo cáo Thủ tướng vụ truy thu cổ tức Sabeco
Thanh Long -
10/05/2018 17:06 (GMT+7)
(VNF) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về xử lý truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Kiểm toán Nhà nước rà soát toàn bộ nội dung kết luận về việc: Sabeco, Habeco nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp tiền phạt chậm nộp và nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nộp khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước tại Sabeco; quyền, trách nhiệm của các cổ đông tại Sabeco, Habeco khi thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước theo luật định. Trên cơ sở đó, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan và doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
Các Bộ Tài chính, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung liên quan đến kết luận trên của Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Công Thương chủ trì, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, theo thông báo số 155/KTNN-TH ngày 8/2/2018 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cơ quan này yêu cầu Sabeco nộp lại 2.495 tỷ đồng tiền cổ tức cho Bộ Công thương (trích từ lợi nhuận còn lại năm 2016) – tương ứng theo tỷ lệ góp vốn 89,59% của Bộ này trước khi bán 53,59% cổ phần cho Công ty Vietnam Beverage ngày 29/12/2017.
Điều này gây ra xung đột lợi ích giữa cổ đông cũ là Bộ Công Thương (đại diện cho Nhà nước) và cổ đông mới là Vietnam Beverage. Nếu Sabeco trả 2.495 tỷ đồng cho Bộ Công Thương theo kiến nghị của KTNN thì Vietnam Beverage sẽ bị thiệt hại nặng, trong bối cảnh Nhà nước không hề loại trừ khoản cổ tức này khi định giá cổ phiếu Sabeco để bán cho Vietnam Beverage.
"Theo Điều 135 của Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần và có quyền quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần.
Theo đó, Ban Tổng Giám đốc của Tổng công ty cho rằng Đại hội đồng cổ đông chưa phê duyệt quyết định phân chia cổ tức cho Bộ Công Thương và các cổ đông không kiểm soát như đề xuất của KTNN nên Tổng công ty chưa có đủ cơ sở để ghi nhận khoản phải trả này (khoản 2.495 tỷ đồng phải trả cổ tức cho Bộ Công Thương theo kết luận của KTNN – PV)", phía Sabeco khẳng định.
Liên quan đến vụ việc này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền, theo đó, VAFI cảnh báo nếu HĐQT Sabeco thực hiện lệnh của Bộ Công Thương là tạm nộp 2.495 tỷ vào ngân sách nhà nước thì sẽ có nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thứ nhất, những thành viên HĐQT Sabeco biểu quyết vấn đề này và lãnh đạo Bộ Công Thương liên quan đến vấn đề này “phải đi tù và phải bồi thường thiệt hại cho hàng ngàn các nhà đầu tư vào Sabeco” vì “họ đã cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp, họ đã hành động mà không đúng quyền hạn của mình, họ làm mất tài sản của nhà đầu tư, giá cổ phiếu Sabeco giảm vì họ làm mất lòng tin cho cổ đông Sabeco và như vậy các nhà đầu tư chứng khoán còn bị thiệt hại tài sản vì cổ phiếu Sabeco giảm giá”.
Thứ hai, khoản tạm nộp ngân sách 2.495 tỷ đồng là khoản vốn rất lớn chiếm 20%/vốn chủ sở hữu Sabeco tại thời điểm cuối năm 2017, Khoản này gửi ngân hàng thương mại nhà nước ở kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 5,3%/năm thì mỗi ngày Sabeco nhận được 344 triệu đồng từ lãi tiền gửi.
“Nếu Bộ Công Thương và HĐQT Sabeco quyết định nộp 2.495 tỷ vào ngân sách nhà nước thì họ sẽ phải bồi hoàn cho công ty 344 triệu đồng/ngày nhân với số ngày mà khoản tiền 2.495 tỷ đồng bị lưu lại tại kho bạc nhà nước (KBNN); VAFI cũng lưu ý rằng tiền vào KBNN thì dễ nhưng rút ra vô cùng khó khăn vì phải trải qua nhiều thủ tục hành chính và mất nhiều tháng trời mới giải tỏa được số tiền hợp pháp này cho Sabeco”, phía VAFI nhấn mạnh.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.