Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] Chiến lược tinh gọn trong ‘kỷ nguyên’ mới của Ford Motors

(VNF) – Hãng xe gần 115 năm tuổi, Ford Motors, sau nhiều năm "chinh chiến" tưởng chừng dễ bị ngáng chân bởi nhiều tay đua trẻ khỏe hơn. Nhưng không, với người đứng đầu mới đầy tài ba Jim Hackett, Ford đang đứng trước nhiều cơ hội đổi mới và phát triển hơn.

[Câu chuyện kinh doanh] Chiến lược tinh gọn trong ‘kỷ nguyên’ mới của Ford Motors

Đứng trước những thách thức mới của ngành sản xuất ô-tô, Giám đốc điều hành mới của Ford Motors, Jim Hackett, đã đề xuất nhiều chiến lược mạnh mẽ và triệt để.

Hãng xe lâu đời thành công nhất thế giới

Ford Motors là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành sản xuất ô-tô của Mỹ. Công ty này được thành lập từ năm 1903 khi nhà sáng lập Henry Ford đang làm việc tại Dearborn Michigan.

Mẫu xe đầu tiên của Ford là Model A, lúc đó, tổng tài sản trong ngân hàng của công ty này chỉ có 223 USD. Toàn bộ sự sống còn của Ford Motors đều phụ thuộc vào dòng xe này. May mắn, Model A đã tạo nên một "làn sóng" mạnh mẽ với hơn 1750 chiếc được bán ra với giá khởi điểm là 750 USD. Tuy nhiên, các dòng xe ăn theo sau đó như Model K và Model S đều không tạo được dấu ấn.

Ford Motors được thành lập từ năm 1903 bởi Henry Ford.

Model T là mẫu xe thành công tiếp theo của Ford với hơn 18.000 chiếc được bán ra chỉ trong vài năm đầu ra mắt. Với doanh số bán hàng liên tục tăng, Model T trở thành một trong dòng xe mang tính biểu tượng của Ford Motors và được sản xuất liên tục cho đến năm 1927. Trong những năm đó, Ford đã tiêu thụ được gần 15,5 triệu xe Model T, giúp công ty này trở thành một trong những hãng sản xuất ô-tô thành công nhất trên thế giới.

Những năm 1980 là giai đoạn thành công nhất trong lịch sử của Ford với các dòng xe được ưa chuộng trên toàn thế giới. Đáng chú ý nhất là xe Ford Taurus và Aerostar rất được yêu thích và vô cùng nổi tiếng. 

Năm 1988, doanh thu trên toàn thế giới của Ford Motors đạt mức kỷ lục mọi thời đại của ngành công nghiệp ô-tô với 5,3 tỷ USD. Đó cũng là khoảng thời gian Ford mua lại Aston Martin và Jaguar.

Model T - mẫu xe được xem là biểu tượng của hãng Ford trong những năm 1920 và đưa Ford Motors trở thành một trong những nhà sản xuất ô-tô lớn nhất thế giới.

Trong những năm 1990, Ford tiếp tục giới thiệu các dòng xe phổ biến như Explorer. Năm 2005, Ford bắt đầu thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc với hơn 150 đại lý được thành lập.

Năm 2007, Ford Motors "chỉnh đốn" lại cổ phần của mình trong các hãng ô-tô khác như Aston Martin, Land Rover và Jaguar. Các công ty này sau đó đã được Ford bán hết trong giai đoạn năm 2007 và 2008, cùng với cổ phần của Ford trong Volvo vào năm 2010.

Những động thái mạnh mẽ của "người cầm đầu" mới

Đầu tháng 10 vừa qua, Ford Motors chính thức bổ nhiệm Giám đốc điều hành mới, Jim Hackett sau thất bại của người tiền nhiệm, ông Mark Fields. Ngay sau khi tiếp quản vị trí mới, Hackett đã lập tức lên kế hoạch phát triển một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn mà cả ngành ô-tô lẫn Ford đều đang phải đối mặt. Đó là tự động hóa, điện khí hóa và nhu cầu đối với các mẫu xe truyền thống của khách hàng đang giảm mạnh.

Hackett cho biết, chiến lược 5 năm của mình sẽ giúp Ford cải thiện "sức khỏe" đáng kể trong bối cảnh đáng lo ngại của ngành sản xuất ô –tô. Ông kêu gọi ban lãnh đạo công ty cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn, giảm chi phí đáng kể và tập trung vào các sản phẩm chiến lược mới.

Ngay sau khi được bổ nhiệm chức Giám đốc điều hành, JIm Hackett đã có những động thái mạnh mẽ nhằm cải tổ lại Ford Motors.

Ông tuyên bố muốn Ford trở thành "một hãng ô-tô đáng tin cậy nhất thế giới với thiết kế xe tinh gọn trong một thế giới thông minh hơn, giúp khách hàng di chuyển an toàn, tự tin và tự do hơn".

Động thái đầu tiên của Jim Hackett là cắt giảm 14 tỷ USD chi phí, giảm một số mẫu xe và tập trung nguồn lực của công ty vào các dòng xe tải, SUV và xe điện. Ông đã gặp gỡ khoảng 100 nhà đầu tư ở New York để lên kế hoạch tiếp theo cho tương lai của Ford Motors. Ông cho biết, Ford sẽ linh hoạt hơn trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, nhất là từ các dịch vụ chia sẻ xe chung và việc xe điện đang dần lên ngôi.

Ford Motors quyết định sẽ tập trung vào dòng xe SUV và đây sẽ là dòng xe quyết định thành công của hãng này trong tương lai.

Hackett và ban điều hành đã dành nhiều tháng liền để đánh giá lại hoạt động của Ford sau thất bại của ông Mark Fields. Hackett đã tới Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và thăm các nhà máy tại Bắc Mỹ cũng như trung tâm nghiên cứu tại thung lũng Silicon của Ford. Hackett cho biết ông kỳ vọng rất cao vào triển vọng của Ford và sẽ tiếp tục thúc đẩy tốc độ tăng tốc phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, Ford sẽ cắt giảm chi phí nguyên vật liệu xuống còn 10 tỷ USD cho đến năm 2022 và bắt đầu thiết kế mẫu mã xe đơn giản hơn. Công ty này cũng lên kế hoạch chia sẻ vật liệu nhiều hơn giữa các dòng xe.

Đồng thời, Ford cho biết sẽ cắt giảm thêm 4 tỷ USD chi phí kỹ thuật cho đến năm 2022 bằng cách thiết kế ít mẫu mã hơn và giảm thời gian phát triển sản phẩm. Theo kế hoạch cắt giảm 1/3 chi phí phát triển động cơ, Ford sẽ chuyển động cơ xe của hãng sang xe điện và hybird. Ford dự kiến sẽ giới thiệu thêm 13 mẫu xe điện và hybird trong vòng 5 năm tới, bao gồm một mẫu SUV nhỏ chạy bằng điện vào năm 2020.

Jim Hackett quyết định cắt giảm 14 tỷ USD chi phí trong sản xuất của Ford cũng như giảm số lượng thiết kễ mẫu mã xe mới.

Công ty này lên kế hoạch tái phân bổ 7 tỷ USD từ xe ô-tô sang xe SUV và xe tải. Nhu cầu toàn cầu đối với các dòng xe này đang tăng lên, và chúng sẽ là yếu tố quyết định cho thành công của Ford trong tương lai. Jim Farley, Giám đốc thị trường toàn cầu của Ford, cho biết công ty này sẽ tập trung thúc đẩy phân phối dòng xe SUV tại thị trường Bắc Mỹ và mẫu xe SUV nhỏ cho thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Ford vẫn sẽ cung cấp những mẫu xe nhỏ, như Focus, nhưng sẽ chuyển chúng thành các mẫu cao cấp hơn, có giá hơn và đem lại lợi nhuận cao hơn.

Tin mới lên