Chứng khoán

Cho phép mua bán trong phiên, TTCK Việt Nam sẽ thêm hấp dẫn?

(VNF) - Từ ngày 1/7/2016, các nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thì trường chứng khoán(TTCK) Việt Nam sẽ được phép mua bán chứng khoán trong phiên. Bước đột phá này hứa hẹn sẽ giúp TTCK Việt Nam tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cho phép mua bán trong phiên, TTCK Việt Nam sẽ thêm hấp dẫn?

Ngày 21/12/2015, Bộ Tài Chính đã ban hàng Thông tư số 203/2015/TT-BTC thay thế cho Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Thông tư 203/2015/TT-BTC với 3 chương, 17 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, hứa hẹn gia tăng sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam(TTCK).

Cho phép mua bán trong phiên

Với sự phát triển từ thực tiễn của TTCK Việt Nam trong những năm qua, Bộ tài chính ban hành Thông tư 203 thay thế Thông tư 74 nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho các đối tượng khi tham gia giao dịch trên TTCK.

Thông tư có những điểm mới như: nhà đầu tư được đặt lệnh bán đối với số lượng chứng khoán đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại ngày giao dịch và chứng khoán giao dịch chờ về, việc bán chứng khoán giao dịch chờ về thực hiện theo quy chế của ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký và mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán, nhà đầu tư được đặt lệnh mua và công ty chứng khoán được thực hiện lệnh mua khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký về việc ngân hàng lưu ký chấp nhận yêu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

Điểm đáng chú ý và được nhiều nhà đầu tư chào đón nhất là việc cho phép nhà đầu tư được quyền mua bán chứng khoán trong ngày thay vì T+2 như hiện nay.

Thông tư này cho phép  nhà đầu tư đuợc thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày và hợp đồng giao dịch ký quỹ với công ty chứng khoán, các lệnh giao dịch nhà đầu tư đặt phải bảo đảm tổng số chứng khoán trên các lệnh bán phải bằng với tổng số chứng khoán cùng loại trên các lệnh mua trong cùng ngày giao dịch và ngược lại.

Trường hợp tống số chứng khoán của các lệnh bán đã thực hiện nhiều hơn tổng số chứng khoán của các lệnh mua đã thực hiện thì công ty chứng khoán có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ thanh toán.

Trong trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh bán trước khi đặt lệnh mua hoặc tổng khối lượng giao dịch của lệnh bán nhiều hơn tổng khối lượng giao dịch của lệnh mua đã đặt trước đó công ty chứng khoán phải từ chối thực hiện lệnh giao dịch khi không thể bảo đảm có đủ chứng khoán để chuyển giao tại ngày thanh toán.

Bên cạnh đó, TT cho phép các công ty chứng khoán đáp ứng có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và không vi phạm một số quy định về tỷ lệ vốn khả dụng, lỗ lũy kế … được đăng ký là thành viên tạo lập thị trường với Sở Giao dịch Chứng khoán trên cơ sở Hợp đồng tạo lập thị trường ký với tổ chức phát hành.

Sẽ hình thành giao dịch tần suất cao

Giao dịch tần suất cao, xuất hiện từ năm 1997 sau khi UBCK Hoa Kỳ cho phép các ECNs (Electronic Communications Networks) - hệ thống giao dịch của các tổ chức giao dịch được các doanh nghiệp tư nhân phát triển nâng cấp - có thể vừa truyền lệnh vừa thực hiện khớp lệnh bằng thuật toán ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán sau giờ giao dịch chính thức, là hình thức giao dịch thông qua hệ thống máy tính hiện đại tốc độ cao để thực hiện các chiến lược giao dịch một cách tự động.

Điểm nổi bật của giao dịch tần suất cao là thực hiện các giao dịch đặt mua - bán và sửa - hủy liên tục với tốc độ rất cao (nano giây), việc này nhằm thực hiện các chiến lược giao dịch, tìm kiếm lợi nhuận trên một đơn vị giao dịch nhỏ.

Giao dịch tần suất cao góp phần rất lớn cải thiện thanh khoản cho thị trường, với đặc điểm thực hiện mua-bán nhiều lần trong ngày, chỉ cần một chênh lệch nhỏ giữa giá mua-giá bán cũng đủ mang lại lợi nhuận lớn .

Hiện tại, các cơ quan quản lý đang hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động giao dịch cùng với sự ra đời các sản phẩm phái sinh, công nghệ cao của các Sở Giao dịch được phát triển, TTCK Việt Nam sẽ xuất hiện các hình thức giao dịch này.

Việc mua bán trong phiên theo quy định của thông tư 203/2015 sẽ tạo ra bước đột phá về quy định giao dịch và tạo tiền đề cho việc phát triển các giao dịch thuật toán và giao dịch tần suất cao sẽ sớm hình thành, tăng thanh khoản và tính hấp dẫn cho thị trường.

Cơ hội cho các nhà đầu tư bám sàn

Thông tư 203/2015 ngoài việc tạo thanh khoản và hấp dẫn cho thị trường còn hứa hẹn tạo ra một lớp nhà đầu tư "bám sàn" nhằm tìm kiếm lợi nhuận hàng ngày, được các nhà đầu tư đón nhận tích cực.

Sản phẩm mới này giúp nhà đầu tư có thể phản ứng ngay lập tức khi xuất hiện những biến động không mong muốn trong suốt phiên giao dịch, đồng thời cũng là công cụ đầu tư ngắn hạn giúp nhà đầu tư có thể kiếm lời ngay trong ngày.

Theo ông Lê Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Artex, sự ra đời của Thông tư 203 cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện lớp nhà đầu tư ngắn hạn(day trader) chuyên theo đuổi mua giá thấp, bán giá cao trong phiên,  góp phần giúp cân bằng thị trường, tránh tình trạng đóng băng hoặc quá nóng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để trở thành một "day trader" thực sự dù lợi nhuận mà giao dịch trong phiên đem lại có thể rất hấp dẫn với nhà đầu tư.

Để có thể trở thành một người giao dịch trong phiên thành công, theo ông Đông, cần ít nhất một vài tố chất sau ở mức xuất sắc: Năng khiếu, kiến thức tài chính, thần kinh thép, khả năng phán đoán tâm lý đám đông, giác quan nhanh nhạy, cảm nhận thị trường, bản lĩnh và khả năng ra quyết định dứt khoát, đặc biệt là phải công bằng và khách quan.

Công bằng và khách quan sẽ giúp cho nhà đầu tư không mang tình cảm cá nhân của mình vào công việc, giúp cho "day trader" lựa chọn đúng thời điểm mua – bán ,thậm chí là thời điểm cắt lỗ (cutloss).

Bên cạnh đó, những "day trader" phải tự xây dựng cho mình quy định giao dịch và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định do mình đặt ra nếu không muốn bị thất bại.

Tin mới lên