Tài chính

Đâu là động lực tăng trưởng của Hòa Phát trong dài hạn?

(VNF) - "Sản phẩm thép dài chất lượng cao và thép dự ứng lực chất lượng cao sẽ là động lực cho Hòa Phát trong dài hạn vì những sản phẩm này nhắm vào phân khúc cao cấp vốn vẫn do hàng nhập khẩu thống trị. Trong khi đó, cơ sở sản xuất thép cán nóng (HRC) sẽ đưa Hòa Phát lên 'tầm cao mới' trong chuỗi giá trị (các doanh nghiệp trong nước thường nhập khẩu HRC từ nước ngoài)", HSC nhấn mạnh.

Đâu là động lực tăng trưởng của Hòa Phát trong dài hạn?

Đâu là động lực tăng trưởng của Hòa Phát trong dài hạn?

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) về Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), HSC ước tính doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của Hòa Phát sẽ đạt 43.223 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá bán bình quân tăng mạnh và sản lượng các sản phẩm thép tăng khá; mảng thức ăn chăn nuôi đóng góp tốt hơn và hạch toán từ dự án Mandarin Garden 2.

HSC dự báo lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của Hòa Phát đạt 6.767 tỷ đồng (tăng 20,5% so với cùng kỳ) nhờ doanh thu tăng tốt. Theo đó, tập đoàn này sẽ hoàn thành 78,6% kế hoạch doanh thu và 84,1% kế hoạch lợi nhuận.

Đi vào chi tiết, đối với thép xây dựng, 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đã tiêu thụ khoảng 1.693.008 tấn (tăng 6,5%) trong khi đó giá thép bình quân cũng tăng lên khoảng 13,24 triệu đồng/tấn (tăng 19,2%).

"Thoạt nhìn có thể nhận thấy sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát tăng chậm hơn so với mức tăng trưởng toàn ngành là 11,1%. Tuy nhiên, Formosa bắt đầu tung ra các sản phẩm thép dài trong tháng 9 năm ngoái. Nếu không tính đến sản lượng tiêu thụ của Formosa, tăng trưởng toàn ngành chỉ là 5%. Như vậy, Hòa Phát thực tế đã tăng trưởng tốt hơn so với bình quân ngành", HSC đánh giá.

Đối với ống thép, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát ước tính tăng đạt khoảng 483.900 tấn (tăng 13,6% so với cùng kỳ và tăng nhanh hơn bình quân ngành là 9,5%). 

Với mảng nông nghiệp, nhờ giá heo phục hồi, kéo theo giá bán thức ăn chăn nuôi tăng, cùng với việc Hòa Phát đã bắt đầu nghi nhận lợi nhuận từ chăn nuôi lợi, bò và việc bán trứng gà, HSC ước tính sơ bộ doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp của Hòa Phát tăng 67%, lên 3.020 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Ngoài ra, HSC ước tính công ty sẽ hạch toán khoảng 1.000 tỷ đồng từ dự án Mandarin Garden 2.

Cho cả năm 2018, HSC dự báo Hòa Phát sẽ đạt doanh thu thuần 61.975 tỷ đồng (tăng trưởng 34,3%) và lợi nhuận sau thuế đạt 9.192 tỷ đồng (tăng trưởng 14,7%).

Cho năm 2019, HSC dự báo doanh thu thuần đạt 77.920 tỷ đồng (tăng trưởn 25,7%) và lợi nhuận sau thuế đạt 11.009 tỷ đồng (tăng trưởng 19,9%).

Theo HSC, chiến lược mở rộng công suất liên tục là động lực tăng trưởng chính của Hòa Phát trong vài năm qua, cho phép công ty hiện đại hóa các cơ sở sản xuất và duy trì lợi thế về quy mô. Nhu cầu mở rộng công suất hơn nữa là rất rõ ràng do các nhà máy của Hòa Phát, cả nhà máy thép xây dựng và ống thép, đều đã đang hoạt động với công suất tối đa.

"Sản phẩm thép dài chất lượng cao và thép dự ứng lực chất lượng cao sẽ là động lực cho Hòa Phát trong dài hạn vì những sản phẩm này nhắm vào phân khúc cao cấp vốn vẫn do hàng nhập khẩu thống trị nhiều năm. Trong khi đó cơ sở sản xuất thép cán nóng (HRC) sẽ đưa Hòa Phát lên 'tầm cao mới' trong chuỗi giá trị so với các doanh nghiệp trong nước khác (các doanh nghiệp trong nước thường nhập khẩu HRC từ nước ngoài)", HSC nhấn mạnh.

Tuy nhiên, HSC cho rằng trong ngắn hạn, tỷ suất lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng do chi phí khấu hao tăng cao cộng với chi phí lãi vay không còn được vốn hóa. Tuy nhiên, ưu đãi thuế dành cho Khu kinh tế Dung Quất sẽ giúp cải thiện lợi nhuận sau thuế.

Được biết, Khu liên hợp Dung Quất được hưởng thuế suất 0% trong 4 năm đầu (kể từ năm 2019), giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo, còn 2 năm cuối của thời gian ưu đãi thuế sẽ được hưởng thuế suất 10%. 

Nhà máy cán thép giai đoạn 1 thuộc dự án Dung Quất đã chạy thử từ giữa tháng 8.

Nhà máy cán thép mới này sẽ nâng công suất thép xây dựng thêm 600.000 tấn (tăng 25%); giúp duy trì tăng trưởng cho Hòa Phát trong quý IV/2018 và năm 2019.

Tổng vốn giải ngân tính cho dự án Dung Quất đến ngày 30/9/2018 là khoảng 18 nghìn tỷ đồng (tổng vốn đầu tư dự kiến là 40 nghìn tỷ đồng). Trong đó vốn tự có là khoảng 11 nghìn tỷ đồng và 7 tỷ đồng là vốn vay.

Ban đầu, Hòa Phát sẽ tập trung sản xuất phôi thép phục vụ cho nhà máy cán thép mới tại Dung Quất để sản xuất thành phẩm thép xây dựng trước khi đưa Giai đoạn 1 đi vào hoạt động vào đầu năm 2019. 

Hòa Phát sẽ sử dụng một phần phôi thép chất lượng cao từ Giai đoạn 1 dự án Dung Quất làm đầu vào cho nhà máy sản xuất thép dự ứng lực.

Nhà máy thép dự ứng lực của Hòa Phát đã đi vào hoạt động trong tháng 9. Nhà máy này nằm gần Khu liên hợp Dung Quất. Hòa Phát được coi là công ty đi tiên phong trong việc sản xuất thép dự ứng lực chất lượng cao, thay thế hàng nhập khẩu. Công suất thiết kế giai đoạn 1 của dự án là khoảng 160.000 tấn/năm với chi phí đầu tư là 1 nghìn tỷ đồng, sản xuất 3 sản phẩm: cáp dạng thanh, tao cáp và sợi cáp đơn.

 

Tin mới lên