Ngân hàng

Giá USD ngân hàng tăng kịch trần lên 23.356 đồng

(VNF) - Ngay khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, giá USD tại nhiều ngân hàng đã tăng khá mạnh. Đã có ngân hàng niêm yết giá USD chiều bán ra ở mức kịch trần 23.356 VND/USD.

Giá USD ngân hàng tăng kịch trần lên 23.356 đồng

Giá USD ngân hàng tăng kịch trần lên 23.356 đồng

Hôm nay (3/8), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.676 VND/USD, tăng 10 VND so với hôm qua (2/8). Với biên độ dao động tối đa 3%, trần tỷ giá theo quy định hiện ở mức 23.356 VND/USD.

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, giá USD tại nhiều ngân hàng đã tăng khá mạnh.

Tại ngân hàng Sacombank, giá USD chiều bán ra đã tăng kịch trần lên 23.356 VND/USD.

Khá đáng chú ý là giá USD tại các ngân hàng quốc doanh hiện đã tương đương với giá USD tại các ngân hàng tư nhân, thay vì giữ ở mức thấp hơn đáng kể như thời gian dài trước đó.

Cụ thể, giá USD chiều bán ra tại Vietcombank hiện ở mức 23.330 VND/USD. Con số này tại VietinBank và BIDV lần lượt là 23.331 VND/USD và 23.340 VND/USD.

Trong khi đó, giá USD chiều bán ra tại Eximbank là 23.340 VND/USD, tại Techcombank là 23.320 VND/USD, tại HSBC Việt Nam là 23.330 VND/USD.

Liên quan đến diễn biến tăng giá của USD, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Hiện giá bán USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đang ở mức 23.306 VND/USD, tương đương thị trường. Giá USD tự do chiều bán ra thì ở mức 23.460 VND/USD.

Như VietnamFinance đã đề cập, việc đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá đang gây áp lực lớn lên tỷ giá, bởi mua hàng Trung Quốc bán ở Việt Nam sẽ rất lãi và đó là lực đẩy dòng chảy thương mại thiên về một chiều này tràn vào thị trường Việt Nam mà không một rào cản kỹ thuật nào ngăn nổi.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hàng năm (như 2017), nhập siêu từ Trung Quốc là trên 22 tỷ USD, trong 5 tháng đầu năm 2018, con số trên vượt quá 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, đó là con số chính thức, còn con số nhập khẩu tiểu ngạch thì không thể thống kê nổi. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho VietnamFinance hay, hiện tại các cơ quan quản lý chỉ thống kê được khoảng 3/5 doanh số nhập khẩu tiểu ngạch.

Và vì vậy, thâm hụt thương mại sẽ trầm trọng hơn và là nguyên nhân khiến cán cân thanh toán tổng thể tiến nhanh hơn về số 0 (BOP of Zero), thậm chí âm.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, khi khoảng thâm hụt thương mại lớn thêm, Việt Nam không thể không điều chỉnh tỷ giá hối đoái nếu không bán ngoại tệ can thiệp.

Trong bối cảnh trên toàn thế giới, giá lương thực phẩm, nguyên vật liệu đều tăng và ở mức rất cao, cộng thêm áp lực tăng tỷ giá, sẽ tạo ra sức ép lạm phát chi phí đẩy. Và, sẽ mở đầu cho sự bất ổn vĩ mô.

Xét riêng về yếu tố điều hành chính sách VND, ông Nghĩa nói: “Cách đây mấy hôm, chúng tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên áp dụng đa dạng các biện pháp bơm, hút tiền theo hướng vừa linh hoạt vừa ổn định”.

Hiện tại, việc bơm hút phần lớn thông qua kênh tín phiếu với một khối lượng cực lớn nhưng kỳ hạn ngắn 1 tuần là chủ yếu. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước rất vất vả mà thị trường dễ bị sốc; chưa kể, đến kỳ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước lại mất cả đống tiền.

“Bên cạnh tín phiếu, nên tăng dự trữ bắt buộc thêm 2% so với mức hiện tại 3% thì Ngân hàng Nhà nước mới có thêm các công cụ dài hạn, không chỉ độc canh bơm hút tuần/lần như hiện nay”, ông Nghĩa nói.

Ở các nước như Mỹ, dự trữ bắt buộc là 10%, Trung Quốc 7%, Việt Nam 3% là quá thấp.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán tháo chứng khoán, một số chuyển tiền về nước, một số treo trên tài khoản chưa biết làm gì.

Bởi vậy, cần cảnh giác vì một lúc, điều hành vĩ mô phải đối phó lạm phát, tỷ giá và chứng khoán; từ đó, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tâm lý thị trường, dẫn đến tiềm ẩn đầu cơ ngoại tệ như từng xảy ra trong giai đoạn 2010 – 2012.

Tin mới lên