Tiêu điểm

Hậu ‘sập sàn’ HOSE: Nhiều hệ lụy phát sinh

(VNF) - Hệ thống công nghệ của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã hoạt động vào sáng nay (25/1) sau khi được khắc phục sự cố. Tuy nhiên, những tranh cãi quanh hệ thống hạ tầng và đặc biệt là thị giá các loại cổ phiếu có thể dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư nhiều ngày qua vẫn chưa ngã ngũ.

Hậu ‘sập sàn’ HOSE: Nhiều hệ lụy phát sinh

Theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá tham chiếu cho phiên giao dịch ngày 25/1/2018 là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch 22/1/2018. Trong trường hợp ngày 22/1/2018 không có giá khớp lệnh, giá tham chiếu cho ngày giao dịch 25/1/2018 là giá đóng cửa của ngày 19/1/2018.

"Sập" sàn vì lỗi... "overflow"

Vào phiên giao dịch ngày 22/1, lúc 14h 31 phút, trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa, sự cố kỹ thuật đã xảy ra đối với hệ thống giao dịch của HoSE. Đến chiều cùng ngày, ông Lê Hải Trà, thành viên Hội đồng Quản trị HoSE khẳng định, lỗi phát sinh không phải do hệ thống giao dịch bị tấn công, mà là lỗi trong máy chủ giao dịch.

"Hệ thống giao dịch của HoSE hoàn toàn được đảm bảo an toàn trước các rủi ro tấn công từ bên ngoài. Báo lỗi từ hệ thống máy chủ khớp lệnh là "overflow" và HOSE đã liên hệ với các chuyên gia từ Thái Lan để khắc phục", ông Trà phủ nhận các tin đồn liên quan đến hệ thống giao dịch của HoSE bị "tấn công".

Liên tiếp 2 ngày sau đó (23-24/1/2018), HoSE đã phải tạm ngừng giao dịch để khắc phục sự cố và kiểm thử với các công ty chứng khoán thành viên toàn thị trường trước khi chính thức mở cửa thị trường trở lại, để đảm bảo an toàn và chính xác cho hệ thống giao dịch.

Trong những ngày HOSE tạm ngừng giao dịch, thị trường giao dịch phái sinh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng lưu ý, nhà đầu tư cần cân nhắc thận trọng khi thị trường cơ sở tạm ngừng giao dịch và chỉ số VN30 không có biến động trong những ngày HoSE tạm ngừng giao dịch.

Liên quan đến việc sử dụng giá giao dịch gần nhất làm giá tham chiếu cho phiên ngày 25/1, ông Lê Hải Trà cho rằng, sau sự cố "overflow" ngày 22/1, giải pháp tổ chức lại phiên giao dịch đóng cửa là phức tạp và không khả thi. Do vậy, HoSE quyết định sử dụng giá giao dịch gần nhất làm giá tham chiếu cho phiên kế tiếp theo quy chế đã có. Nghĩa là nếu ngày 22/1/2018 không có giá khớp lệnh, giá tham chiếu cho ngày giao dịch 25/1/2018 sẽ là giá đóng cửa của ngày 19/1/2018.

HOSE phải chịu trách nhiệm?

Liên quan đến việc HoSE "sập" sàn và khắc phục sự cố trong 3 ngày, nhiều chuyên gia kinh tế và luật sư cho rằng, phía HoSE phải chịu trách nhiệm với phần thiệt hại của nhà đầu tư trong các phiên đóng cửa vừa qua.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thiệt hại với nhà đầu tư là không tính được. Nếu có thiệt hại, tôi cho rằng đây chỉ là thiệt hại chi phí cơ hội, tức nhà đầu tư mất cơ hội mua/bán hàng giá như mong muốn, nên cũng không ai tính toán để khiếu nại được. Tuy nhiên, HoSE là đơn vị tổ chức sàn giao dịch thu phí, thì không thể nói đó là sự cố ngoài ý muốn.

"Dù HoSE công bố khắc phục như thế nào đi nữa thì chúng ta cũng thấy rằng hệ thống phần mềm nói riêng và cả hệ thống giao dịch của HoSE đã không đạt yêu cầu. Bởi một hệ thống giao dịch luôn có dự phòng, khi có sự cố sẽ xử lý kịp thời. Ở đây HoSE đã không tính đến phương án dự phòng nên mới để tình trạng ngừng giao dịch xảy ra dài như vậy", ông Hiển nói

Cũng theo ông Hiển, loại trừ lý do thị trường giao dịch quá nóng hay cổ phiếu nào đó giao dịch bất thường, HoSE hoàn toàn có quyền ngừng giao dịch khi phát hiện bất thường. Nhưng tất cả ở đây là lỗi kỹ thuật, sở đã không đầu tư hệ thống phòng ngừa rủi ro.

"Hệ thống giao dịch là linh hồn của các sở Giao dịch. Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đã không tương xứng, nên khi thị trường tăng quy mô, tăng khối lượng nhà đầu tư, tăng giao dịch… thì quá tải, trục trặc hệ thống là điều dễ hiểu", ông Hiển nói thêm.

Trong khi đó, TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight cho hay, có thể do số lượng giao dịch lớn, khả năng là công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng được với lượng giao dịch này. Trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng xảy ra sự cố như vậy. Trong bối cảnh hiện nay có một số nhà đầu tư đang rất nhạy cảm, chắc chắn việc tạm ngưng giao dịch sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường.

Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, sự cố kỹ thuật xảy ra chiều 22/1 tại HoSE là một sự cố đáng tiếc nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải.

Theo ông Dũng, trong quá khứ, Việt Nam cũng đã từng gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng giao dịch liên tục ba ngày vào tháng 5/2008. Trong năm 2017, một số sở giao dịch chứng khoán của Ấn Độ, Indonesia… cũng có sự cố kỹ thuật, buộc phải tạm ngừng giao dịch trong nhiều giờ để khắc phục.

"Tôi rất mong muốn nhà đầu tư bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan các tác động của sự cố kỹ thuật này đến thị trường và đến hoạt động đầu tư bình thường", ông Dũng nói.

Giả mạo thông tin giao dịch bù giờ

Ngày 24/1, HoSE phát ra thông báo cáo chí về việc giả mạo thông tin thời gian giao dịch bù giờ và thời gian giao dịch tiếp theo tại HoSE. Theo đó, hiện nay trên thị trường xuất hiện thông tin giả mạo HoSE về việc điều chỉnh bù giờ và thời gian giao dịch tiếp theo.

"Thông tin trên không đúng sự thật và HoSE đã báo cáo cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc, mục đích mạo danh", thông cáo báo chí của HoSE, khẳng định.

Đồng thời, HOSE khuyến cáo nhà đầu tư theo dõi thông báo, thông tin chính thức trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và các nguồn chính thống khác, cảnh giác với các thông tin giả mạo và tin đồn thất thiệt...


Tin mới lên