Ngân hàng

Lại mối lo tăng lãi suất

(VNF) – Mối lo tăng lãi suất cho vay đã hiện hữu, nhất là khi cuộc đua lãi suất huy động giờ đã trở thành xu hướng và chắc chắn sẽ kéo theo nhiều ngân hàng khác nhập cuộc đua. Điều này đặt ra tình thế "tiến thoái lưỡng nan" cho NHNN, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp.

Lại mối lo tăng lãi suất

Lãi suất huy động đang đồng loạt tăng cao tại các ngân hàng thương mại

"Hiện tượng" tăng lãi suất huy động hồi đầu năm 2017, đến nay đã trở thành xu hướng. Một loạt ngân hàng thương mại gần đây đã tung ra các sản phẩm tiền gửi mới với lãi suất rất cao, có thể lên đến 8,88%/năm như đối với trường hợp của Sacombank, thậm chí 9,2% như trường hợp của VPBank. Với những ngân hàng cỡ nhỏ hơn, lãi suất huy động cũng rất cao, như Lienvietpostbank có thể lên đến 8,8%/năm, hay VietABank lên đến 8,2%/năm.

Từ đầu năm, Eximbank, DongA Bank, TPBank, Techcombank, OCB cũng đã tiến hành tăng lãi suất huy động, thậm chí có những trường hợp liên tục tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn khác nhau rải rắc ở nhiều thời điểm khác nhau. Các ngân hàng khác như PVCombank, SCB, HDBank đều đang có mức lãi suất huy động cạnh tranh bậc nhất hiện nay.

Sức ép từ diễn biến tăng lãi suất huy động đang tạo mối lo tăng lãi suất cho vay. Áp lực càng ngày càng lớn bởi nhìn vào những nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng, có thể thấy xu hướng này khá bền vững, ít nhất là trong năm 2017.

Tăng lãi suất huy đông

"Hiện tượng" tăng lãi suất huy động hồi đầu năm, đến nay đã trở thành xu hướng

Một trong những chỉ báo rõ rệt nhất về nguyên nhân tăng lãi suất huy động là diễn biến tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR). Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 12/2016, LDR ở nhóm NHTM cổ phần đã bất ngờ vượt trần quy định 80%, đạt mức 81,04%, tăng tới 1,67 điểm% so với một tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên LDR ở nhóm NHTM cổ phần vượt trần 80% kể từ khi NHNN công bố rộng rãi số liệu LDR hàng tháng bắt đầu từ tháng 6/2015.

Với nhóm NHTM Nhà nước, LDR vẫn tiếp tục vượt xa trần 90%, đạt mức 94,29% tính đến hết tháng 12/2016.

Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, LDR bình quân toàn hệ thống tổ chức tín dụng tính đến hết tháng 1/2017 đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt 88,2%, trong đó, tháng 1/2017 là tháng tăng mạnh nhất với 1,4 điểm%.

LDR tăng cao phản ánh thực tế rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng đang cao hơn tốc độ tăng huy động vốn, phần nhiều do các ngân hàng phải chạy đua tín dụng cuối năm 2016 cho đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, sang năm 2017 lại tiếp tục phải tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong khi tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp như thông thường hàng năm, thậm chí còn tăng trưởng âm. Như trong tháng 1/2017, tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống ở mức âm (-) 1,6%.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 20/2/2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,23% so với cuối năm 2016, cao hơn nhiều mức tăng 0,33% cùng kỳ năm 2016.

LDR đã quá cao, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn phải duy trì nhanh hơn so với thông thường hàng năm nên các NHTM buộc phải gia tăng huy động với tốc độ nhanh hơn tăng trưởng tín dụng để giảm LDR, hay ít nhất là không để LDR tăng thêm. Đây là nguyên nhân rất quan trọng khiến các NHTM đồng loạt tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây.

Tăng lãi suất huy đông

LDR tăng cao là nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng phải "cấp tập" huy động vốn

Nguyên nhân thứ hai, cũng rất bền vững, là xuất phát từ thay đổi chính sách. Theo thông tư mới của NHNN, từ ngày 1/1/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 60% trước đây về còn 50% và xuống còn 40% vào năm 2018. Đây là nguyên nhân rất trực tiếp dẫn tới việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động, nhất là với kỳ hạn trên 1 năm và đặc biệt cao đối với kỳ hạn trên 5 năm.

Thứ ba là nguyên nhân xuất phát từ động thái tăng lãi suất của FED. FED tăng lãi suất, đồng USD lên giá sẽ khiến gia tăng xu hướng tích trữ USD, đồng nghĩa sẽ có một lượng không nhỏ tiền gửi VND tại các NHTM bị rút về mua USD tích trữ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, nguyên nhân này dù có tác động nhưng tác động không lớn đến lãi suất huy động.

Thực ra, áp lực gia tăng lãi suất đã thường trực từ lâu, trước cả khi LDR tăng cao, thay đổi chính sách về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, hay FED tăng lãi suất.

Nợ xấu vẫn là yếu tố ám ảnh nhất, trong nhiều năm trở lại đây, ở thời điểm hiện tại và cả tương lai. Nợ xấu lớn, một mặt bào mòn lợi nhuận ngân hàng thông qua chi phí trích lập dự phòng, mặt khác, khiến dòng tiền đổ vào tín dụng bị kẹt lại, trong khi ngân hàng vẫn phải chi trả lãi tiền gửi đều đặn và trả nợ gốc thường xuyên. Điều này đẩy các ngân hàng phải gia tăng lãi suất huy động, đồng thời cũng tạo áp lực gia tăng lãi suất cho vay.

Như trường hợp của Sacombank, mới đây đã tung ra sản phẩm tiền gửi mới với lãi suất "siêu hấp dẫn" lên đến 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm. Kể từ khi sáp nhập Southern Bank vào tháng 10/2015, hiệu suất kinh doanh tín dụng của Sacombank giảm mạnh do Sacombank một mặt vẫn phải trả lãi tiền gửi cho Southern Bank đều đặn, trong khi dòng tiền từ tín dụng lại không quay về tương xứng do nợ xấu lớn.

Ngoài nợ xấu, chỉ báo từ việc tỷ lệ chi phí lãi trên thu nhập lãi của hầu hết các ngân hàng thương mại tăng cao trong năm 2016 cho thấy, dư địa giảm lãi suất đã rất eo hẹp.

Mối lo tăng lãi suất cho vay đã hiện hữu, nhất là khi cuộc đua lãi suất huy động giờ đã trở thành xu hướng và chắc chắn sẽ kéo theo nhiều ngân hàng khác nhập cuộc đua. Điều này đặt ra tình thế "tiến thoái lưỡng nan" cho NHNN, các NHTM và các doanh nghiệp.

Nếu lãi suất cho vay tăng, các NHTM sẽ gỡ được thế khó nhưng NHNN và các doanh nghiệp lại chịu áp lực lớn. Trong khi nếu lãi suất cho vay giữ nguyên, NHNN và các doanh nghiệp vẫn giữ được tình thế ổn định, trong khi lợi nhuận của các NHTM lại "teo tóp" dần.

Tin mới lên