Tài chính

Cổ phiếu ACV lên sàn: Lại một cơn sốt giá?

(VNF) – Kỳ vọng của giới đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn đang đổ dồn vào cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Cổ phiếu ACV lên sàn: Lại một cơn sốt giá?

Cổ phiếu ACV được giới đầu tư kỳ vọng cả trong ngắn hạn và dài hạn

ACV và "hiệu ứng Habeco"

Đầu tuần tới, cổ phiếu ACV của "gã khổng lồ" Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ chính thức lên sàn UPCoM. Với số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 2.177 triệu cổ phiếu, cùng mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 25.000 đồng/cổ phiếu, ACV được định giá lên tới 54.425 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,4 tỷ USD.

Nhiều nhà đầu tư rất kỳ vọng vào sự kiện lên sàn sắp tới của cổ phiếu ACV, không chỉ bởi vì sức hấp dẫn lâu dài của "gã khổng lồ" này, mà còn bởi vì sức nóng đầu cơ cổ phiếu ACV.

Chỉ cách đây ít lâu, cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng lên sàn UPCoM và đã tăng trần 8 phiên liên tiếp, từ mức giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu lên mức giá 144.700 đồng/cổ phiếu thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 08/11, tương đương mức tăng lên tới 271%. Hiện cổ phiếu BHN đang ở mức 100.100 đồng/cổ phiếu thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11.

Nhà ga ACV

Trong ngắn hạn, cổ phiếu ACV vẫn hấp dẫn giới đầu tư nhờ "hiệu ứng Habeco"

Nguyên nhân chính gây ra "hiệu ứng Habeco" không hẳn đến từ kỳ vọng lạc quan của giới đầu tư vào hoạt động kinh doanh của tổng công ty này, mà phần lớn lại đến từ xu hướng đầu cơ của các nhà đầu tư. Với lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường rất ít do Bộ Công Thương và Carlsberg nắm giữ tổng cộng tới 99,13% cổ phần của Habeco, nên ngay cả một lượng không nhiều các nhà đầu tư nhỏ lẻ sở hữu nguồn lực tài chính không lớn cũng có thể tạo ra một làn sóng đầu cơ đối với cổ phiếu BHN.

Trường hợp của ACV cũng không khác là bao. Tính đến hết ngày 30/05/2016, cổ đông lớn nhất của ACV là Bộ Giao thông Vận tải với tỷ lệ sở hữu lên đến 95,4%. Còn lại 4,6% cổ phần là thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó tỷ lệ sở hữu của Công đoàn Tổng công ty là 0,14%.

Mặc dù lượng cổ phiếu trôi nổi của ACV là lớn hơn Habeco nhưng chưa chắc mức tăng của cổ phiếu ACV đã "kém cạnh" cổ phiếu BHN, bởi về lâu dài, sức hấp dẫn của ACV còn lớn hơn nhiều Habeco.

Sức hấp dẫn của ACV

Không khó để nhận ra điểm hấp dẫn nhất của ACV là vị thế độc quyền của tổng công ty này trong lĩnh vực cảng hàng không. Hiện ACV đang là đơn vị quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 Cảng hàng không – Sân bay quốc tế và quốc nội trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tất nhiên bao gồm cả 2 cảng hàng không lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Phần lớn doanh thu của ACV được hình thành từ hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không (chiếm khoảng 80% doanh thu), có thể kể đến như dịch vụ hạ cất cánh, dịch vụ hành khách, dịch vụ phục vụ mặt đất, dịch vụ soi chiếu an ninh... 20% doanh thu còn lại được thu về từ dịch vụ phi hàng không (cho thuê mặt bằng, phí bến bãi giữ xe, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ cho thuê văn phòng…) và hoạt động bán hàng. Tất cả đều là độc quyền.

Lợi thế thứ hai của ACV là nguồn lực tài chính của doanh nghiệp này quá lớn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, vốn chủ sở hữu của ACV lên tới 21.997 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam, cao hơn nhiều mức vốn chủ sở hữu 16.850 tỷ đồng của "người anh em" cũng sắp lên sàn là Vietnam Airlines.

Hiện ACV gần như không gặp rủi ro về nợ khi tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của tổng công ty này ở mức 1,08 lần, còn tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 0,73 lần.

Tân Sơn Nhất ACV

Lợi thế lớn nhất của ACV là độc quyền trong lĩnh vực cảng hàng không

Cũng bởi sở hữu nguồn lực tài chính quá lớn, lại độc quyền trong lĩnh vực cảng hàng không nên ACV sở hữu lượng tiền gửi ngân hàng rất "khủng khiếp". Tính đến hết ngày 30/09/2016, ACV có tổng cộng 3.998 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 12.518 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm.

Nhưng còn một lợi thế khiến cổ phiếu của ACV trở lên hấp dẫn hơn nữa, đó là sự thèm muốn của các cổ đông có tiềm lực tài chính trong và ngoài nước, đặc biệt là các hãng hàng không, các doanh nghiệp bán thiết bị cảng hàng không và các doanh nghiệp cảng hàng không quốc tế.

Các doanh nghiệp này có thể sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu ACV, bởi họ ở thế phải phụ thuộc hoàn toàn vào ACV tại thị trường Việt Nam do tổng công ty này độc quyền trong lĩnh vực cảng hàng không. Nếu trở thành cổ đông của ACV, chắc chắn vị thế của họ sẽ được nâng lên đáng kể.

Hiện Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP) đang dẫn đầu cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của ACV. Đây là một tập đoàn cũng hoạt động trong lĩnh vực cảng hàng không. Nếu không hợp tác với ACV thì tập đoàn này sẽ chẳng có cơ hội nào để tiếp cận với lĩnh vực cảng hàng không của Việt Nam.

Những băn khoăn lớn về ACV

ACV độc quyền trong lĩnh vực cảng hàng không, nhưng cũng vì thế mà tổng công ty này không được tự quyết mức giá dịch vụ hàng không (vốn chiếm 80% doanh thu) mà phải theo khung giá quy định của Bộ Tài chính.

Đây cũng là lý do khiến khả năng sinh lời của ACV ở mức thấp nếu so với tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn như năm 2015, mặc dù sở hữu tổng tài sản lên đến 44.851 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu lên đến 20.614 tỷ đồng nhưng ACV "chỉ" tạo ra mức lợi nhuận sau thuế 1.753 tỷ đồng, tương đương với mức ROA và ROE rất thấp, lần lượt là 3,9% và 8,5%. Năm 2014 và năm 2013, doanh nghiệp này cũng "chỉ" tạo ra mức lợi nhuận sau thuế lần lượt là 2.511 tỷ đồng và 2.301 tỷ đồng.

Hiện ACV đang trình lên Bộ Giao thông Vận tải phương án tăng phí dịch vụ hàng không với mức tăng rất mạnh. Chẳng hạn như phí dịch vụ hành khách nội địa được đề xuất tăng tới 43%, từ mức 70.000 đồng/khách lên mức 100.000 đồng/khách hay tăng phí cất hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa thêm 43%. Nếu đề xuất này được phê duyệt, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận của ACV sẽ được cải thiện đáng kể.

ACV Nội Bài

Phụ thuộc vào diễn biến đồng Yên Nhật là điểm trừ cho sức hấp dẫn của ACV

Băn khoăn thứ hai về ACV, rất nóng hổi hiện nay, là vấn đề tỷ giá. Tính đến hết ngày 30/09/2016, có đến 99,3% các khoản nợ vay của ACV là nợ vay bằng đồng Yên Nhật, tính theo đồng Việt Nam là 15.977 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, ACV bị phụ thuộc rất lớn vào biến động tỷ giá đồng Yên Nhật.

Trong quý II vừa qua, ACV đã phải chịu lỗ sau thuế 16,4 tỷ đồng, chủ yếu là do lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ, lên đến 1.379 tỷ đồng. Sang quý III/2016, ACV tiếp tục lỗ chênh lệch tỷ giá 267 tỷ đồng.

Diến biến tỷ giá của đồng Yên Nhật trong tương lai gần cũng không mấy sáng sủa sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, bởi ông Trump hướng đến hành động bảo hộ thương mại Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đồng tiền của các thị trường có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có đồng Yên Nhật.

Kể cả khi đồng Yên Nhật không biến động nhiều thì việc phụ thuộc vào ngoại tệ vẫn là một điểm trừ trong sức hấp dẫn của ACV.

Nhìn chung thì cổ phiếu ACV vẫn thích hợp với việc đầu tư dài hạn hơn, tuy nhiên, "hiệu ứng Habeco" vẫn sẽ khiến cổ phiếu ACV hấp dẫn trong ngắn hạn.

Tin mới lên