Tài chính

Tháng 5 nhập siêu 400 triệu USD, 5 tháng đầu năm vẫn xuất siêu 1,36 tỷ USD

Số liệu vừa công bố của Bộ Công thương cho thấy, mặc dù trong tháng 5/2016, cán cân thương mại tiếp tục trong trạng thái nhập siêu với mức nhập siêu tháng 5 ước 400 triệu USD, bằng 2,7% kim ngạch xuất khẩu, song tính chung cả 5 tháng, cả nước vẫn xuất siêu.

Tháng 5 nhập siêu 400 triệu USD, 5 tháng đầu năm vẫn xuất siêu 1,36 tỷ USD

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cụ thể, theo số liệu thống kê, tháng 5/2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 4 và tăng 7% so với tháng 5 năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 10,14 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 4 và tăng 9% so với tháng 5 năm 2015. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương với tăng 4,187 tỷ USD).

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 5 ước đạt 15 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng 4 và tăng 0,9% so với tháng 5 năm 2015, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI ước 8,6 tỷ USD, tăng 6,2%  so với tháng 4 và giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt gần 39,2 tỷ USD, giảm 1,9%, chiếm tỷ trọng 59,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 27,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 40,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Với diễn biến này, cán cân thương mại trong tháng 5/2016 trong trạng thái nhập siêu với mức 400 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2016, cả nước vẫn xuất siêu với mức xuất siêu ước đạt 1,36 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 7,7 tỷ USD, khối các doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,1 tỷ USD.

Theo nhận định của Bộ Công thương cán cân thương mại hiện đang có thặng dư bằng khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất còn cao.

Hơn nữa, việc tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, thu hút vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng, từ đó phát sinh nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghiệp để mở mang sản xuất, đón đầu tận dụng các lợi thế ưu đãi của các Hiệp định mà Việt Nam đã, đang và chuẩn bị tham gia. Do vậy, dự báo trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục nhập siêu, song với mức nhập siêu nằm trong kiểm soát dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tin mới lên