Thị trường

"Đại gia" khoáng sản Việt bị phong tỏa tài sản tại Điện Biên

Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã ra quyết định tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với Công ty TNHH tài nguyên và khoáng sản Hà Nội – Điện Biên, có chủ sở hữu là Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Việt.

"Đại gia" khoáng sản Việt bị phong tỏa tài sản tại Điện Biên

Công ty TNHH tài nguyên khoáng sản Hà Nội – Điện Biên (tên viết tắt là CKD) sở hữu mỏ chì, kèm vào loại "khủng" tại Mùn Chung, huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, theo một bản án của TAND huyện Tuần Giáo hồi cuối năm 2016, công ty này bị buộc phải trả nợ cho nhà thầu xây lắp số tiền hơn 23 tỷ đồng. Quá thời hạn, doanh nghiệp không tự nguyện thi hành án.

Lý do ra quyết định nêu trên, theo cơ quan THADS là "xét thấy cần ngăn chặn hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, huỷ hoại, thay đổi hiện trạng tài sản".

Theo đó, THADS Tuần Giáo áp dụng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của Công ty CKD đối với quyền sử dụng hai khu đất tại địa bàn xã Mùn Chung. Hai khu đất gồm 668 nghìn m2 tại bản Xá Nhé (mục đích sử dụng là để khai thác khoáng sản chì, kẽm) và hơn 237 nghìn m2 tại bản Nậm Bây, là đất để xây dựng nhà máy chế biến.

Công ty CKD có chủ sở hữu là Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Việt (tên viết tắt là VMPCO), một "đại gia"  tiếng tăm trong ngành khai khoáng phía Bắc. VMPCO được biết đến là đang sở hữu khoảng 40 mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn, tiêu biểu là mỏ chì kẽm (Bảo Lâm, Tuyên Quang, Yên Bái và Điện Biên), mỏ Mangan (Đồng Tâm, Trung Thành, Cốc Hec, Bản sám, Bản Khuông, Nà Viền), mỏ sắt (Khuổi Rào, Phiêng Lếch, và Nà Cắng Cao Bằng), đồng (Lào Cai), ăngtimon...

Đứng phía sau VMPCO là các cổ đông sáng lập nổi tiếng là vợ chồng cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường và doanh nhân Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MaritimeBank.

Nợ không trả, tòa không dự

Theo bản án của Tòa án Tuần Giáo, trong các năm 2013-2014, Công ty CKD ký 8 hợp đồng thuê Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và thương mại Tiên phong - Vina (Mỹ Đình, Hà Nội) thực hiện các hạng mục xây lắp, vận tải… Tổng giá trị thực hiện các hợp đồng là 39 tỷ đồng (làm tròn số/PV), đã thanh toán 20 tỷ, còn nợ 19 tỷ tiền gốc và 4 tỷ  tiền lãi trả chậm (tính đến ngày 30/6/2016).

Căn cứ Bộ luật Dân sự và quy định pháp luật hiện hành, hội đồng xét xử quyết định buộc bị đơn - Công ty CKD phải trả nguyên đơn - Công ty Tiên phong – Vina tổng số nợ cả gốc và lãi là 23 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải số tiền tranh chấp mà chính hành vi của bị đơn mới là điều khiến dư luận địa phương xôn xao. Không có đại diện nào của Công ty CKD cũng như công ty mẹ VMPC có mặt ở phiên xử, cũng như trước đó họ đã phớt lờ luôn hai phiên hòa giải tại tòa.

"Đại gia" bị xác minh tài khoản

Đến nay, cơ quan THADS đang tiến hành các thủ tục theo luật định để thi hành bản án của Toà.

Ngoài việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với Công ty CKD, Chi cục THADS  Tuần Giáo còn ủy quyền cho Chi cục THADS quận Đống Đa (Hà Nội) xác minh tài khoản đang giao dịch tại ngân hàng, số dư tiền trong tài khoản hiện tại và tình hình hình hoạt động, các giao dịch gần đây của chủ sở hữu của CKD là Công ty VMPCO

Như VietnamFinance đã đưa tin, Điều lệ của Công ty CKD quy định, chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của CKD trong phạm vi số vốn điều lệ.

Theo các tài liệu đưa ra tại tòa, dù về mặt danh nghĩa Công ty CKD hạch toán độc lập với chủ sở hữu - VMPCO nhưng về bản chất, mối quan hệ mẹ con này chẳng khác nào hạch toán phụ thuộc. Cụ thể, Chủ tịch Công ty CKD - nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty - đã ký ban hành quy định về thẩm quyền phê duyệt hạn mức tài chính tại CKD.

Theo đó, kể cả những khoản tiếp khách, lễ tân khánh tiết vượt quá 5 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/tháng cũng phải được VMPCO phê duyệt chủ trương. Hàng tuần, CKD đều phải làm báo cáo tổng hợp kế hoạch tài chính gửi về cho chủ sở hữu.

Báo cáo này sau khi được các phòng, ban chức năng thẩm định đều phải được chủ tịch HĐQT Công ty VMPCO thời kỳ đó là ông Trần Anh Tuấn, chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ký phê duyệt.

Tin mới lên