Tiêu điểm

Thủ tướng: Cổ phần hóa DNNN góp phần chống tham nhũng

(VNF) – Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 18/11 về quá trình cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn góp phần chống tham nhũng.

Thủ tướng: Cổ phần hóa DNNN góp phần chống tham nhũng

Thủ tướng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các sai phạm, lợi ích nhóm trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực, chưa chủ động; nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm cổ phần hóa, thoái vốn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cổ phần hóa quy mô lớn có thời gian chuẩn bị quá dài. Quy mô thị trường còn nhỏ nên việc hấp thụ vốn còn hạn chế.

"Chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án, lộ trình thoái vốn và đặc biệt là không nắm giữ những doanh nghiệp không cần thiết", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các sai phạm, lợi ích nhóm để thất thoát vốn nhà nước. "Nhiều vụ cổ phần hóa vừa rồi sai, thất thoát rất lớn chứ không phải không có đâu. Nên việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo chuyển biến rõ nét về quản trị, niêm yết trên sàn chứng khoán là những việc cần thiết của công tác triển khai lộ trình cổ phần hóa".

"Tôi xin báo cáo Quốc hội, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ là thu hút nguồn lực vào mà còn góp phần chống tham nhũng, tiêu cực vì cổ đông càng nhiều thì giám sát càng nhiều", Thủ tướng phát biểu.

Chưa hài lòng trong điều hành kinh tế

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) "Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành kinh tế không?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Kết quả điều hành kinh tế thời gian qua là đáng phấn khởi tuy nhiên Chính phủ nhận thức rằng đó chỉ là bước đầu.

"Nền kinh tế quy mô còn nhỏ, thiên tai lũ lụt liên tục xảy ra, ở một số mặt nào đó chúng ta còn lạc hậu, nhất là nguồn nhân lực. Nói hài lòng không thì chúng ta chưa được hài lòng. Có thể nói một cách thẳng thắn như vậy", Thủ tướng cho hay.

Theo Thủ tướng, lo lắng nhất của đất nước hiện nay là tụt hậu, diễn biến hòa bình và tham nhũng. "Cái lo lắng ta đang thảo luân ở đây là trên nóng dưới lạnh, là một bộ phận còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, xa dân, quan liêu. Do đó, vấn đề đặt ra là tiếp tục kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, để không còn một bộ phận cán bộ làm cho nhân dân không tin tưởng, không còn tình trạng trên nóng dưới lạnh.

"Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tiếp tục giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực, cơ chế chính sách", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) về mức độ độc lập tự chủ của nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng độc lập tự chủ nền kinh tế rất cần thiết khi hội nhập.

Theo Thủ tướng, một nền kinh tế độc lập, tự chủ phải bao gồm các yếu tố: có cơ cấu kinh tế hợp lý; có tính bền vững, không phải sáng nắng chiều mưa; có khả năng cạnh tranh cao; giải quyết được các cân đối lớn như thu và chi ngân sách, xuất khẩu và nhập khẩu…

"Đặc biệt, độc lập, tự chủ là phải ít bị tổn thương trước biến động quốc tế. Đây là yêu cầu rất lớn đối với nền kinh tế như Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng sự độc lập và tự chủ của kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường, thể hiện ở: tăng trưởng tốt, cơ cấu kinh tế tích cực hơn, năng suất lao động được nâng lên, đa phương hóa quan hệ…

"200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam. Chúng ta đã có 70 thị trường có quan hệ thương mại trên 100 triệu USD. Chúng ta có 25 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 14.000 dự án đầu tư với 231 tỷ USD đăng ký từ nhiều quốc gia.

"Điều đáng mừng là người Việt Nam ngày càng ưa thích hàng Việt Nam. Niềm tin vào thị trường Việt Nam là biểu hiện gắn liền với độc lập, tự chủ", Thủ tướng nói.

Tin mới lên