Tài chính quốc tế

Triều Tiên ‘âm thầm’ mua vũ khí tại Đức để phục vụ chương trình tên lửa?

(VNF) – Một đơn vị tình báo Đức mới đây đã cáo buộc Triều Tiên sử dụng đại sứ quán nước này ở thủ đô Berlin để mua vũ khí phục vụ chương trình hạt nhân. Đại sứ quán Triều Tiên ở Berlin hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin nêu trên.

Triều Tiên ‘âm thầm’ mua vũ khí tại Đức để phục vụ chương trình tên lửa?

Triều Tiên vẫn âm thầm mua sắm các bộ phận, linh kiện cho chương trình vũ khí.

Ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức, cho biết đơn vị tình báo do ông quản lý đã theo dõi một số động thái bất thường của Đại sứ quán Triều Tiên tại Berlin trong thời gian gần đây, Reuters đưa tin ngày 4/2.

"Theo quan điểm của chúng tôi, những hoạt động này dường như có liên quan tới chương trình vũ khí và đôi khi có thể là chương trình hạt nhân Triều Tiên", ông Maassen chia sẻ.

Đại sứ quán Triều Tiên tại Berlin, Đức.

Phía ông Maassen có cơ sở để tin rằng Triều Tiên dường như đang mua sắm các bộ phận, linh kiện cho chương trình vũ khí nước này dưới danh nghĩa người mua hàng ẩn danh.

Ông Maassen cho biết thêm sau khi đơn vị tình báo Đức phát hiện về hoạt động nghi vấn họ đã can thiệp để ngăn chặn. Tuy nhiên, ông nhận định cơ quan này chỉ có thể làm được như vậy. "Chúng tôi không thể đảm bảo rằng có thể phát hiện và ngăn chặn hoạt động này trong mọi trường hợp", ông Maassen chia sẻ.

Triều Tiên thu về 200 triệu USD nhờ xuất khẩu hàng cấm

Triều Tiên đã bán được than, sắt thép, các sản phẩm từ dầu trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 đến nhiều nước, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu của Liên hợp quốc. Khoản tiền thu về lên tới gần 200 triệu USD, theo báo cáo của Ủy ban Trừng phạt Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Báo cáo chỉ ra rằng Triều Tiên đã vận chuyển than đến các cảng biển ở nhiều nước trong đó có Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hoạt động này được thực hiện chủ yếu thông qua việc sử dụng các giấy tờ giả mạo ghi rằng than đá được vận chuyển có nguồn gốc từ Nga và Trung Quốc thay vì Triều Tiên.

"Triều Tiên đang qua mặt các nghị quyết (trừng phạt) mới nhất bằng cách lợi dụng chuỗi cung ứng dầu toàn cầu, lợi dụng các quốc gia đồng lõa bên ngoài, các công ty đăng ký hải ngoại và hệ thống ngân hàng quốc tế", báo cáo dài 213 trang của Liên hợp quốc cho biết.

Triều Tiên thu về 200 triệu USD trong 9 tháng cấm vận.

Ngoài ra, các giám sát viên của Liên hợp quốc cũng tiết lộ rằng họ đã điều tra nghi vấn hợp tác về tên lửa đạn đạo giữa Triều Tiên với Syria và Myanmar, bao gồm hơn 40 lô hàng không được khai báo do Triều Tiên chuyển tới cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria từ năm 2012-2017. Trung tâm này chịu trách nhiệm giám sát chương trình vũ khí hóa học của Syria.

"Cuộc điều tra cho thấy các bằng chứng mới về việc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí và các hoạt động vi phạm khác, bao gồm việc chuyển các hàng hóa hỗ trợ cho chương trình vũ khí hóa học và tên lửa đạn đạo", báo cáo của Liên hợp quốc cho biết thêm.

>> Thêm một doanh nhân Đài Loan bị cáo buộc giao dịch trái phép với Triều Tiên

Tin mới lên