28 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư
Minh Đức -
23/08/2022 10:53 (GMT+7)
(VNF) - Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA), có sự tham gia của đại diện 28 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất nước này, đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và kinh doanh tại Việt Nam.
Từ ngày 21-26/8, Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) đã làm việc với các doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất phụ tùng ô tô Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực phụ tùng ô tô tổ chức ngày 22/8, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong những năm qua, linh kiện phụ tùng ô tô luôn nằm trong top những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ và sản lượng nhập khẩu luôn tăng dần qua các năm, bất chấp tình hình khó khăn chung do đại dịch Covid-19.
Năm 2021, sản lượng nhập khẩu của Việt Nam về linh kiện, phụ tùng ôtô từ Ấn Độ đạt trên 290 triệu USD và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay với số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2022 đã đạt trên 185 triệu USD.
“Hiện nay, với môi trường kinh tế, chính trị ổn định, nguồn lao động trẻ, dồi dào với tay nghề cao, Việt Nam đang ngày càng chứng minh là một điểm đến an toàn và tin cậy dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư Ấn Độ nên mở rộng đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh đặc biệt là công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, linh kiện ô tô… để được hưởng ưu đãi theo Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU”, ông Vinh nói.
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Mai, đại diện Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (VIOIT) cho biết Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường xe ô tô điện trong tương lai bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.
“Với mức thu nhập ngày càng tăng, nhiều gia đình Việt Nam tiến tới sẽ có xe ô tô riêng, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, lưu lượng và nhu cầu đi lại bằng ô tô riêng ngày một tăng, doanh số, sản lượng bán ra của ngành công nghiệp ô tô sẽ ngày càng tăng trong giai đoạn 2021-2030”, đại diện VIOIT cho hay.
Tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư Invest Global, nhấn mạnh ngành công nghiệp ô tô được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ô tô lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.
Nhiều hãng sản xuất ôtô lớn trên thế giới như Mercedes, Toyota, Honda, Ford, Hyundai đã đầu tư nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, kéo theo chuỗi các nhà sản xuất nước ngoài cung ứng linh kiện phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp dưới 20%, trong đó Thaco đạt 15% - 18%, Toyota Việt Nam cao nhất đạt 37% (đối với dòng xe Innova), tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
"Phụ tùng, linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng có công nghệ giản đơn như: ghế ngồi, kính, săm, lốp, bánh xe… trong khi đó phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị cao", bà Hà thông tin.
Chính vì vậy, trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam và Ấn Độ có sự bổ trợ cho nhau rất lớn. Một số doanh nghiệp Ấn Độ đã hiện diện tại Việt Nam với các dự án đầu tư như: Uno Minda, Spark Minda và Star Engineering đang hoạt động rất hiệu quả.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone