5 lần lùi, giãn tiến độ, Vinalines vẫn chưa chốt mốc Đại hội đồng cổ đông lần đầu

Anh Minh - 21/12/2019 09:41 (GMT+7)

Dù đã có tới 5 lần lùi, giãn tiến độ, nhưng đến nay, vẫn chưa xác định được thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty mẹ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

VNF
Sau khi vỡ mốc kế hoạch Đại hội đồng cổ đông vào tháng 9/2019, cho đến ngày 18/12/2019, Vinalines vẫn chưa có thêm thông báo mới gửi trực tiếp các cổ đông hoặc đăng tải trên website của Tổng công ty.

Loay hoay chốt mốc

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc xử lý vướng mắc khi thực hiện chuyển Vinalines thành công ty cổ phần”, một quan chức thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác nhận với Báo Đầu tư vào chiều ngày 18/12/2019.

Trước đó, ngày 4/12/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 11082/VPCP-DMDN đề nghị 4 bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp và Giao thông - Vận tải đề nghị cho ý kiến đối với Công văn số 1953/UBQLV-CNHT ngày 29/11/2019 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Thủ tướng về vướng mắc khi thực hiện chuyển Công ty mẹ - Vinalines thành công ty cổ phần. Thời hạn cho ý kiến được Văn phòng Chính phủ ấn định là trước ngày 15/12/2019 để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm này, ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ có đồng thuận với toàn bộ các đề xuất tháo gỡ vướng mắc do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vinalines cũng khó có thể tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trước ngày 31/12/2019.

Do có khá nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến báo cáo tài chính cần được rà soát, cập nhật lại và tối thiểu 10 ngày để thông báo triệu tập cổ đông, nên nếu mọi việc suôn sẻ, Vinalines cũng chỉ có thể tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu trong quý I/2020.

Đây đã là lần thứ 5 kể từ tháng 9/2018 - thời điểm hoàn thành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Vinalines phải thay đổi kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.

Tại thư mời họp được phát đi cuối tháng 6/2019, Vinalines đã chính thức công bố các thông tin liên quan đến Đại hội đồng cổ đông lần đầu như dự thảo điều lệ; báo cáo quá trình cổ phần hóa công ty mẹ; tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2019 - 2020… Lý do được đưa ra là chưa đủ điều kiện tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu Công ty mẹ - Vinalines theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Tuy nhiên, sau khi vỡ mốc kế hoạch Đại hội đồng cổ đông vào tháng 9/2019, cho đến ngày 18/12/2019, “ông lớn” ngành vận tải biển vẫn chưa có thêm thông báo mới gửi trực tiếp các cổ đông hoặc đăng tải trên website của Tổng công ty.

Sốt ruột

Trong số 4 -5 vướng mắc mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp muốn xin ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, việc điều chỉnh mức vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ của Vinalines hậu IPO và bán cho cổ đông chiến lược là vấn đề gây nhiều lúng túng nhất.

Tại khoản 4, Điều 1, Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines, vốn điều lệ của doanh nghiệp này được quy định là 14.046 tỷ đồng, tương đương 1,404 tỷ cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó, Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 0,16% vốn điều lệ; cổ phần bán cho tổ chức công đoàn là 0,04% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 14,8% vốn điều lệ và bán đấu giá công khai là 20% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, do việc bán cho cổ đông chiến lược bất thành và chỉ có một lượng nhỏ cổ phiếu được bán qua đấu giá, nên Vinalines sẽ phải tiến hành điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ. Đây là lý do khiến vốn điều lệ của Công ty mẹ - Vinalines theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tại Công văn số 1953/UBQLV-CNHT) sẽ chỉ còn 12.005,88 tỷ đồng (giảm 2.040 tỷ đồng so với Quyết định số 751/QĐ-TTg). Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể khi cổ đông Nhà nước sẽ nắm tới 99,469% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines; trong khi cổ phần do các cổ đông bên ngoài nắm giữ thông qua thắng đấu giá chỉ còn vỏn vẹn 0,452% vốn điều lệ.

Điều đáng nói là, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định, đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Thủ tướng quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động, nhưng Quyết định số 751/QĐ-TTg lại không quy định rõ việc điều chỉnh mức vốn điều lệ giảm so với quyết định của Thủ tướng đã phê duyệt.

Trước khi gửi Công văn số 1953/UBQLV-CNHT tới Thủ tướng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hỏi ý kiến một số bộ, ngành liên quan. Trong Công văn số 4567/BTP-PLDSKT, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, không cần báo cáo Thủ tướng sửa đổi Quyết định số 751/QĐ-TTg để điều chỉnh vốn điều lệ, cơ cấu cổ đông.

Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Vinalines xuất hiện thêm tình huống mới là việc Tổng công ty bỏ hơn 400 tỷ đồng mua lại 75,01% cổ phần của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành để nắm chi phối Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn - đơn vị không có tên trong danh mục công ty con, công ty liên kết trong phương án cổ phần hóa. Vinalines cũng phải chờ ý kiến của các bộ, ngành liên quan đến việc xử lý chuyển giao cảng trung chuyển Vân Phong; đề xuất vay trả lương người lao động tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin - hai vấn đề cũng không có trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

“Những tình huống phát sinh này vẫn đang phải chờ cấp có thẩm quyền cho ý kiến, nên việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Vinalines chưa thể thực hiện, dù Tổng công ty rất muốn sớm kết thúc để bước sang giai đoạn hoạt động mới”, một lãnh đạo Vinalines cho biết.

Tính đến ngày 18/12/2019, thời gian tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu của Công ty mẹ - Vinalines đã kéo dài quá 12 tháng kể từ thời điểm hoàn thành bán cổ phần lần đầu (ngày 5/9/2019).

Trong khi đó, khoản 1, Điều 14, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác