Vinalines tiếp tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp thành viên

N.Khánh - 30/07/2019 16:06 (GMT+7)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) dự kiến thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên theo lộ trình được phê duyệt để tập trung vốn đầu tư vào các lĩnh vực chính.

VNF
Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên kinh doanh kém hiệu quả đã góp phần đưa số nợ của Vinalines giảm hơn 70% so với thời điểm trước tái cơ cấu

5 doanh nghiệp chuẩn bị thoái vốn

Theo thông tin được công bố trước thềm đại hội cổ đông lần thứ nhất, chuyển mô hình hoạt động sang loại hình công ty cổ phần của Vinalines, năm 2019, Vinalines dự kiến thoái vốn tại 5 doanh nghiệp thành viên.

Cụ thể, Vinalines sẽ thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu tại 2 doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (thoái vốn từ 51% xuống 49%, tương đương giảm 2,8 triệu cổ phần); Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship (thoái vốn từ 51% xuống 36%, tương đương giảm 3 triệu cổ phần).

3 doanh nghiệp Vinalines dự kiến sẽ thoái vốn toàn bộ, bao gồm: Công ty Cổ phần KCN Tín Nghĩa (thoái vốn toàn bộ 1,15% cổ phần); Công ty Cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài (thoái vốn toàn bộ 24,9% cổ phần); Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải Âu (thoái vốn toàn bộ 26,46% cổ phần).

“Giai đoạn 2019 - 2020, Tổng công ty sẽ thực hiện thoái vốn/giảm vốn tại 18 doanh nghiệp, trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối tại 9 doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp vận tải biển kinh doanh thua lỗ kéo dài, khó có khả năng hồi phục”, Vinalines cho biết.

Vinalines khẳng định công tác thoái vốn của đơn vị đều tuân thủ đúng pháp luật, minh bạch, bảo toàn vốn ở mức cao nhất. Tỷ lệ nắm giữ vốn của Vinalines tại các doanh nghiệp thành viên được thực hiện theo văn bản số 86 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ Vinalines nắm giữ tại các doanh nghiệp thành viên; Văn bản số 198 của Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch thoái vốn/giảm vốn của Vinalines giai đoạn 2018 - 2020 và phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 751 ngày 20/6/2018.

Giảm mạnh số nợ phải trả

Theo tìm hiểu, tính từ năm 2013 (giai đoạn Vinalines bắt đầu tái cơ cấu), Tổng công ty này đã thực hiện thoái vốn rất nhiều doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp của Vinalines giảm từ 73 doanh nghiệp xuống còn 35 doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại (bao gồm cả Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn mới được Vinalines tiếp nhận lại từ tháng 6/2019).

Đặc biệt, vốn đầu tư tại các doanh nghiệp kinh doanh ngoài ngành như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… cũng đã được Vinalines rút toàn bộ để tập trung trong 3 ngành nghề kinh doanh chính là: khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.

Việc thoái vốn tại doanh nghiệp thành viên kinh doanh kém hiệu quả đã góp phần đưa tổng số nợ phải trả của toàn Vinalines giảm mạnh từ hơn 67.500 tỷ đồng (trước thời điểm tái cơ cấu) xuống còn hơn 17.100 tỷ đồng tại thời điểm tháng 3/2019.

Theo Giao thông
Cùng chuyên mục
Tin khác