Năm chức danh lãnh đạo cấp cao được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV
Trong đợt 1, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội và thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 2 nhân sự cấp cao.
Chiều 8/6, sau 17 ngày làm việc, đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành tốt đẹp nội dung chương trình đề ra.
Trong đợt 1, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã dành thời gian thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Dân Việt điểm lại 5 nhân sự lãnh đạo cấp cao được kiện toàn trong đợt 1 của kỳ họp.
1. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Chiều 20/5, với 475/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giữ chức Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Trần Thanh Mẫn là người kế nhiệm của ông Vương Đình Huệ - người vừa thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội hôm 2/5 - tại kỳ họp bất thường lần thứ 7 của Quốc hội.
Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Chính trị.
Ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII và là đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV.
Trước đó ông từng kinh qua các cương vị: Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Cần Thơ; Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch Quốc hội; Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
2. Chủ tịch nước Tô Lâm
Sáng 22/5, với 472/473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đại tướng Tô Lâm sinh năm 1957, quê ở Hưng Yên, là Giáo sư, Tiến sĩ Luật học.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII và là đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV…
Quá trình công tác, ông Tô Lâm từng kinh qua các chức vụ: Trưởng phòng, Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị I -Tổng cục An ninh; Phó Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng phụ trách, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I - Bộ Công an. Từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2016, ông Tô Lâm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Từ tháng 4/2016, ông Tô Lâm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.
3. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Tiếp tục thực hiện công tác nhân sự, chiều 6/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Nguyễn Thị Thanh với 465/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Sau khi chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội được kiện toàn, bộ máy lãnh đạo Quốc hội hiện có 5 người, gồm Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và 4 Phó Chủ tịch: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương và Nguyễn Thị Thanh.
Tân Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng là thành viên nữ duy nhất trong số các nhân sự giữ chức vụ này.
Bà Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1967, quê ở Ninh Bình. Bà là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV; có trình độ Cử nhân Luật, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Bà Thanh là cán bộ trưởng thành từ công tác Đoàn, từng kinh qua nhiều vị trí tại tỉnh Ninh Bình. Sau 7 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, bà Thanh về nhận công tác tại Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với cương vị Phó Trưởng ban Thường trực. Lúc này, bà kiêm thêm chức danh Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Từ năm 2021 đến nay, bà là Trưởng ban Công tác đại biểu kiêm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
4. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long
Chiều 6/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Kết quả biểu quyết cho thấy 468/469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Với việc kiện toàn này, lãnh đạo Chính phủ hiện gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính và 4 Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang và Lê Thành Long.
Ông Lê Thành Long sinh năm 1963, quê ở Thanh Hóa, có trình độ Tiến sĩ Luật và là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Sự nghiệp của ông Lê Thành Long gắn liên với Bộ Tư pháp: Từ một chuyên viên đến Thư ký Bộ trưởng, Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ tháng 4/2016).
5. Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang
Cũng trong chiều 6/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an với Thượng tướng Lương Tam Quang. Kết quả biểu quyết cho thấy có 468/469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành
Thượng tướng Lương Tam Quang trở thành người kế nhiệm của Đại tướng Tô Lâm - người đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước hôm 22/5.
Với việc ông Lương Tam Quang trở thành Bộ trưởng Công an, bộ máy lãnh đạo của đơn vị này hiện có 5 lãnh đạo, gồm Bộ trưởng, Thượng tướng Lương Tam Quang và 4 Thứ trưởng: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Trung tướng Nguyễn Văn Long.
Thượng tướng Lương Tam Quang sinh năm 1965, quê ở Hưng Yên, có trình độ Cử nhân Luật, An ninh.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Quá trình công tác của ông Lương Tam Quang gắn liền với ngành công an. Ông từng kinh qua các chức vụ: Trợ lý Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Phó Thủ tướng
Thượng tướng Lương Tam Quang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công an
Đại sứ Việt Nam tại Anh làm Thứ trưởng Bộ Công Thương
- Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng 03/06/2024 11:28
- Chân dung tân Chủ tịch nước Tô Lâm 22/05/2024 09:00
- Đại tướng Lương Cường làm Thường trực Ban Bí thư 16/05/2024 05:24
Toàn cảnh khu vực sẽ xây Ga đường sắt Đà Nẵng mới
(VNF) - Theo kế hoạch, ga hàng hóa và công trình phụ trợ được di dời ra khu vực ga Kim Liên, ga hành khách dời về khu vực hồ Trung Nghĩa.