7-Eleven từng đạt được những thành công nhất định tại Indonesia. Modern International, đơn vị điều hành thương hiệu này, khai trương cửa hàng đầu tiên vào năm 2009 và cũng có giai đoạn liên tục mở rộng chuỗi ra ngoài Jakarta.
Tuy nhiên, cuối tuần trước, Modern tuyên bố sẽ đóng toàn bộ 136 cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia. Quyết định được đưa ra sau khi thương vụ bán lại chuỗi này cho Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group - Thái Lan) với trị giá 75 triệu đôla vào đầu tháng bất thành.
Công ty con CP All của Charoen Pokphand chính là đơn vị điều hành 7-Eleven Thái Lan, thị trường lớn thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản của thương hiệu này. Dẫu thế, CP All không mấy mặn mà với 7-Eleven tại Indonesia.
Sự kiện không làm Arifin, nhân viên giữ xe của một cửa hàng 7-Eleven ở ngoại ô Jakarta ngạc nhiên. "Các cửa hàng luôn đông đúc nhưng khách hàng không mua gì nhiều. Họ đến để hẹn hò và dùng ké wifi. Họ còn mang cả laptop để đến ngồi hàng giờ mà chỉ mua một ly nước", Arifin cho biết.
Với giới trẻ Indonesia, 7-Eleven mang đến một không gian giải trí thời thượng. Hệ thống cửa hàng ven đường với các món ăn giá cả phải chăng mang đến cho họ cảm giác truyền thống. Tuy nhiên, họ lại được tận hưởng chỗ ngồi thoải mái có máy lạnh, wifi miễn phí như một quán cà phê hiện đại. Thực tế, một nửa không gian các cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia là dành cho ăn uống.
Cuối cùng, điều đó không đủ để 7-Eleven tồn tại, khi mà thương hiệu này phải cạnh tranh với Alfamart và Indomaret, hai hệ thống cửa hàng tiện lợi nội địa với lịch sử lâu đời và mạng lưới rộng khắp Indonesia. Đó là chưa kể những quầy thức ăn đường phố lúc nào cũng đông đúc người mua.
Ban đầu, Alfamart và Indomaret cũng học theo 7-Eleven khi thấy đối thủ mới đạt được những thành công nhất định. Hai chuỗi này đã hoạt động khá lâu dưới dạng siêu thị nhỏ. Về sau, cả hai hướng đến mô hình cửa hàng tạp hóa bán thực phẩm tươi sống hơn là một cửa hàng tiện lợi, không tập trung nhiều vào thức ăn và đồ uống có cồn.
"Doanh thu của 7-Eleven không đủ để trang trải chi phí hoạt động như điện, đèn, wifi và các chi phí khác", Reza Priyambada, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Bina Artha ở Indonesia bình luận.
Doanh thu 7-Eleven tại Indonesia đạt đỉnh vào năm 2014 với 917,77 tỷ rupiah, tương đương hơn 69 triệu đôla với đỉnh điểm 190 cửa hàng. Tuy nhiên, ngày vui không kéo dài. Tháng 4/2015, chính phủ Indonesia cấm bán đồ uống có cồn trong các cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ. Vào thời điểm đó, mặt hàng này chiếm 15% doanh thu của 7-Eleven.
5 tháng sau đó, chính phủ nước này nới lỏng lệnh cấm, cho phép các chính quyền địa phương tự quyết định áp dụng lệnh cấm. Tuy nhiên, Jakarta và một số thành phố khác vẫn giữ nguyên quy định.
Ngoài ra, theo Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Indonesia Tutum Rahanta, 7-Eleven còn vướng một số trở ngại khác liên quan tới giấy phép. Năm 2012, Bộ Thương mại Indonesia từng cảnh cáo 7-Eleven về việc kinh doanh một số mặt hàng khi chưa có giấy phép tương ứng.
Quy định cấm bán đồ uống có cồn khiến doanh thu của 7-Eleven giảm 8,8% năm 2015, còn 886,84 tỷ rupiah, tức gần 67 triệu đôla. Bản thân Modern phải chịu lỗ ròng 54,76 tỷ rupiah, tức hơn 4 triệu đôla.
Trong khi đó, Alfamart và Indomaret không chịu tác động nhiều bởi lệnh cấm, thậm chí doanh thu còn tăng. Mỗi thương hiệu đang sở hữu hơn 13.000 cửa hàng, bán đồ tạp hóa và thức ăn nhẹ khắp Indonesia trong hơn 20 năm qua.
Modern bắt đầu đóng cửa 21 cửa hàng 7-Eleven vào năm ngoái, giữa bối cảnh doanh thu sụt giảm. Doanh thu chuỗi này đã giảm 23,9% xuống 675,28 tỷ rupiah (gần 51 triệu đôla). Modern lỗ đến 764,32 tỷ rupiah (hơn 57 triệu đôla). Bước sang 2017, Modern tiếp tục đóng thêm 30 cửa hàng 7-Eleven.
Cổ phiếu của Modern đạt đỉnh 1.050 rupiah cách đây 4 năm, giờ chỉ được giao dịch quanh mốc 50 rupiah. Không có 7-Eleven, doanh nghiệp này sẽ chỉ còn là một doanh nghiệp nhỏ. Giá trị vốn hóa thị trường của Modern ở mức 228,7 tỷ rupiah, chỉ bằng 1/4 so với khoản tiền mà CP Group dự tính chi ra để mua chuỗi 7-Eleven tại Indonesia của công ty này.