Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuần này tiết lộ Anh đang cân nhắc kế hoạch thiết lập các căn cứ quân sự mới tại châu Á, nhiều ý kiến đã hoài nghi rằng liệu London có đủ kinh phí hay tầm nhìn chiến lược để thực hiện kế hoạch này hay không.
Tuy nhiên, việc xem xét các sáng kiến quốc phòng của Anh gần đây cho thấy một căn cứ quân sự tại châu Á không phải là ý tưởng “bốc đồng”. Thay vào đó, đây là một kế hoạch hợp lý sau hàng loạt động thái mà Anh đã thực hiện trong những năm vừa qua.
Bộ trưởng Williamson đã đề cập tới những ý tưởng về việc xây dựng lực lượng quân sự Anh thời hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) trong cuộc phỏng vấn với báo Sunday Telegraph.
“Đây là thời cơ lớn nhất của chúng ta với tư cách là một quốc gia kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là thời cơ để chúng ta trở lại là một quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Và tôi nghĩ lực lượng vũ trang đóng vai trò thực sự quan trọng trong vấn đề này”, ông Williamson nhấn mạnh.
Trong khi Bộ trưởng Williamson nói rằng các căn cứ quân sự mới của Anh có thể được đặt ở khu vực “Viễn Đông”, song các nguồn tin quốc phòng cho biết Singapore và Brunei sẽ là nơi Anh thiết lập căn cứ quân sự.
Xét từ lập trường của Anh, hai quốc gia Đông Nam Á trên đều có vai trò nhất định. Cả hai đều là nơi đồn trú của lực lượng quân sự Anh, một “di sản” từ nửa đầu thế kỷ 20, khi Anh nắm quyền kiểm soát Singapore và Brunei theo hình thức thuộc địa. Hơn nữa, cả hai nước này đều nằm trong khu vực Biển Đông - nơi Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng.
Trung Quốc cho đến nay vẫn đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” phi lý hòng chiếm phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế cũng như sự phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Williamson tuyên bố Anh sẽ thể hiện cam kết của nước này với “hệ thống dựa trên luật lệ” tại các vùng biển châu Á bằng cách triển khai thêm các tàu chiến tới đây. Thời điểm đó, Anh tập trung vào các mối đe dọa từ Triều Tiên.
“Chúng ta phải thể hiện rõ rằng các nước cần tuân thủ luật lệ và sẽ có những hệ quả trong vấn đề này”, ông Williamson nói hôm 3/6.
Tuy nhiên khoảng một tuần sau đó, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore đã tháo ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Khi tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Hải quân Anh xuất hiện trên Biển Đông hai tháng sau đó, sự kiện này đã trở thành đề tài gây chú ý do tàu Anh di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa - nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh đã chỉ trích đây là “hành động khiêu khích” của Anh.
Những chuyến đi của các tàu chiến trên Biển Đông như tàu HMS Albion không phải là ngoại lệ. Hải quân Mỹ vẫn thường xuyên đưa các tàu tới vùng biển này để thực hiện chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và Washington cũng khuyến khích các đồng minh cùng tham gia để giảm bớt gánh nặng.
Do vậy, theo CNN, một căn cứ quân sự mới hoặc mở rộng của Anh tại Singapore, nơi Mỹ cũng đặt các căn cứ quân sự, chắc chắn sẽ được Washington hoan nghênh, đặc biệt trong bối cảnh Anh là đồng minh quân sự số 1 của Mỹ hiện nay.
“Đây là một bước tiến mở rộng cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ và Washington sẽ hài lòng với kế hoạch này”, Ni Lexiong, chuyên gia hải quân tại Đại học Khoa học và Luật Thượng Hải, nhận định.
Liên quan tới thỏa thuận an ninh, vào năm 1971, Anh đã ký Hiệp ước Phòng thủ Ngũ Cường gồm 5 nước Anh, Singapore, Australia, New Zealand và Malaysia. Hiệp ước này được đưa ra khi Anh đang rút dần lực lượng khỏi khu vực châu Á trong thập niên 1970 và cho đến nay vẫn là hiệp ước phòng vệ lâu dài nhất của Anh tại Đông Nam Á.
Hồi tháng 10, nhóm 5 nước trên đã tổ chức cuộc tập trận kéo dài 3 tuần ở ngoài khơi Singapore, trong đó các chiến dịch trên Biển Đông là một phần trong cuộc tập trận.
Ngoài tầm quan trọng chiến lược, một căn cứ quân sự tại Singapore cũng mang lại cho Anh nhiều lợi ích về kinh tế.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Anh là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017. Bộ Quốc phòng Anh cũng xác nhận Anh là nhà xuất khẩu quân sự lớn thứ hai thế giới từ năm 2008 đến năm 2017.
Các căn cứ quân sự tại châu Á có thể là “nơi trưng bày” một số khí tài quân sự của Anh. Các hợp đồng mua bán vũ khí giá trị lớn có thể là đòn bẩy quan trọng cho nền kinh tế Anh thời hậu Brexit.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, năm 2017, Anh đã đạt được 11,3 tỷ USD hợp đồng quân sự nước ngoài. Mặc dù con số này chỉ chiếm 2,6% trong tổng số hàng hóa xuất khẩu của Anh, song ngành công nghiệp vũ khí đã mang lại những việc làm có thu nhập cao tại Anh. Bộ Quốc phòng Anh cho biết trung bình 1/200 việc làm tại Anh có liên quan tới lĩnh vực quốc phòng trong giai đoạn 2015-2016.
Khi Australia ký thỏa thuận trị giá 26 tỷ USD hồi tháng 6 năm ngoái để mua 9 tàu hộ vệ tác chiến chồng ngầm, tạp chí Financial Times đã gọi đây là bước đột phá của nhà thầu quốc phòng BAE khi Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu.
Sự xuất hiện của các tàu hộ vệ như trên tại các căn cứ quân sự của Anh ở châu Á có thể giúp đẩy mạnh các hợp đồng mua sắm vũ khí. Và trong số các đối thủ của Anh tại thị trường xuất khẩu tàu hộ vệ, không thể bỏ qua Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc tuần này thông báo Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu đóng một tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường cho Pakistan và đây là một phần trong “thỏa thuận vũ khí lớn” của Bắc Kinh.
Báo cáo của SIPRI cho biết các thị trường vũ khí đang ngày càng mở rộng tại châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông trong khi thu hẹp lại tại châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Indonesia là khách hàng mua vũ khí lớn thứ 3 của Anh, sau Ả rập Xê út và Oman.
Trong bài phát biểu tại Australia vào năm 2017, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson từng nói Hải quân Hoàng gia Anh sẽ đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và một tàu đang được đóng mới là HMS Prince of Wales tới Biển Đông vào năm 2020. Do vậy, một căn cứ quân sự trên Biển Đông để đủ sức đón các tàu chiến 65.000 tấn uy lực nhất từ trước đến nay của Anh sẽ hỗ trợ cho chuyến đi của các tàu này.
Nếu quyết tâm triển khai kế hoạch mở căn cứ quân sự tại châu Á, Anh chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp Anh Jeremy Hunt tại Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 năm ngoái sau chuyến đi của tàu chiến Anh tới gần Hoàng Sa, ông Vương đã hối thúc Anh thực hiện đúng lập trường “không đứng về bên nào” trong vấn đề Biển Đông. Tân Hoa Xã đưa tin Ngoại trưởng Hunt đã trấn an người đồng cấp Trung Quốc rằng Anh sẽ không làm như vậy.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hồi tháng 10, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones, đã đề xuất hỗ trợ các đồng minh của Anh tại châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cho biết Anh sẽ phản đối việc Trung Quốc phớt lờ luật biển quốc tế.
Xem thêm >> Canada tố Trung Quốc bắt 13 công dân sau vụ ‘ái nữ Huawei'
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.