Tài chính

Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Chính sách hỗ trợ bằng tiền 'lên ngôi'?

(VNF) - Trước tác động của quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu, các ưu đãi dựa trên lợi nhuận không còn là lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Thay vào đó, các chính sách ưu đãi dựa trên chi phí đang được các nước nghiên cứu áp dụng nhằm thay thế cho ưu đãi dựa trên lợi nhuận.

Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Chính sách hỗ trợ bằng tiền 'lên ngôi'?

Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Chính sách hỗ trợ bằng tiền 'lên ngôi'?

Tháng 10/2021, diễn đàn hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của OECD (diễn đàn IF) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Thoả thuận gồm hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế liên quan tới quá trình số hóa nền kinh tế và đề ra một kế hoạch thực hiện chi tiết.

Trụ cột 2 đề xuất mức thuế suất tối thiểu toàn cầu áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên. Khi trụ cột 2 được áp dụng (nhiều quốc gia chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2024) sẽ tác động trực tiếp đến các ưu đãi đầu tư và tình hình đầu tư nước ngoài tại các nước, cũng như Việt Nam.

Việc rà soát và thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành sao cho phù hợp với cải cách thuế toàn cầu là vô cùng cấp thiết. Điều này vừa giành quyền thu phần thuế bổ sung, vừa đảm bảo chính sách ưu đãi đầu tư của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay các chính sách ưu đãi đầu tư phần lớn có thể được phân loại thành các ưu đãi dựa trên lợi nhuận và dựa trên chi phí. Trong khi, ưu đãi dựa trên lợi nhuận, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập và giảm thuế suất, trực tiếp làm giảm số thuế bất kể tình hình đầu tư thực tế, sẽ không còn là lợi thế so sánh.

Khi trụ cột 2 được áp dụng thì các chính sách ưu đãi dựa trên chi phí, chẳng hạn như khấu hao nhanh, phụ cấp thuế và khấu trừ thuế, trợ cấp cho chi phí đầu tư và kinh doanh như hoàn lại tiền lương, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và chi phí nghiên cứu và phát triển (NC&PT)... đang được các nước nghiên cứu áp dụng nhằm thay thế cho ưu đãi dựa trên lợi nhuận.

Qua thực tế và nghiên cứu, phân tích của các công ty tư vấn tài chính cho thấy chính sách hỗ trợ bằng tiền có nhiều ưu điểm khác nhau.

Đầu tiên, chính sách đem lại hiệu quả cao hơn trong việc thu hút đầu tư, có thể mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế

Mặc dù các ưu đãi thuế dựa trên thu nhập đã được sử dụng phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nhưng thực tế cho thấy các chính sách ưu đãi dựa trên chi tiêu giúp làm tăng khả năng tạo ra đầu tư bổ sung vì chúng nhắm mục tiêu trực tiếp vào chi phí đầu tư.

Ngoài ra, có thể thấy rõ trong các báo cáo nghiên cứu khác nhau của các tổ chức quốc tế liên quan đến hiệu quả của các ưu đãi thuế trong thu hút FDI. Theo đó, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Chính phủ bằng cách tập trung nhiều hơn vào các ưu đãi thuế, dựa trên chi tiêu để có thể nâng cao hiệu quả hơn môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, chính sách giúp giảm thiểu tình trạng các công ty đa quốc gia rút vốn ngay sau khi hết thời hạn được hưởng ưu đãi thuế.

Vấn đề được biết đến rộng rãi là các công ty đa quốc gia có xu hướng rút các khoản đầu tư và lợi nhuận của họ bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi các lợi ích miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã hết.

Việt Nam nên cảnh giác vào thời điểm số thu thuế dự tính sẽ tăng thông qua dự án đầu tư sản xuất kinh doanh mở rộng đang hoạt động ổn định. Các hoạt động tái cơ cấu nhằm giảm quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh có thể diễn ra, dẫn đến tác động tiêu cực cho nền kinh tế và xã hội nói chung.

Ngược lại, vì trợ cấp đầu tư được cấp cho việc đầu tư cơ sở vật chất liên tục, hoạt động NC&PT và tạo việc làm mới sẽ mang lại lợi ích đầu tư cho các địa phương ở Việt Nam. Do đó, các hoạt động này sẽ có thể góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn thu từ thuế trong dài hạn, phù hợp với các mục tiêu cần được Chính phủ Việt Nam xem xét tích cực.

Ưu điểm tiếp theo, trợ cấp có thể đẩy nhanh việc nộp thuế TNDN và đóng góp nhanh hơn vào nguồn thu thuế của Việt Nam trong dài hạn.

Các khoản lỗ thường phát sinh trong giai đoạn đầu của hoạt động đầu tư và việc miễn thuế TNDN được áp dụng kể từ khi tạo ra lợi nhuận. Do đó, điều này sẽ làm mất nhiều thời gian hơn để các công ty đa quốc gia thực sự nộp thuế TNDN. Khoản trợ cấp bằng tiền được coi là thu nhập chịu thuế TNDN, giúp thúc đẩy nhanh việc nộp thuế TNDN.

Việc vận hành trợ cấp từ góc độ quản lý là tương đối đơn giản (ví dụ: không có vấn đề về phân bổ lãi/lỗ để đủ điều kiện được hưởng ưu đãi) và có thể được quản lý rõ ràng thông qua kiểm toán tài chính...

Song song, chính sách này còn giúp giảm rủi ro về chuyển giá.

Ngược lại với việc miễn thuế TNDN, trợ cấp đầu tư ít có nguy cơ bị lạm dụng chuyển giá hơn vì dựa trên việc miễn thuế đối với một số loại thu nhập nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.

Do đó, việc chuyển lợi nhuận cho một công ty đang trong thời gian ưu đãi thuế thường được thực hiện, dẫn đến lợi nhuận giả trong thời gian ưu đãi thuế và lỗ sau khi thời gian ưu đãi thuế kết thúc. Trợ cấp bằng tiền làm giảm rủi ro về chuyển lợi nhuận này.

Với tư cách là một chiến lược thu hút FDI, trợ cấp có thể làm tăng đầu tư bằng cách giảm chi phí vốn cho các công ty đa quốc gia. Đầu tư như vậy có thể góp phần phát triển kinh tế dài hạn bằng cách khuyến khích các công ty đa quốc gia tái đầu tư liên tục.

Ngoài ra, các khoản trợ cấp rất dễ quản lý và rõ ràng và có thể được áp dụng trực tiếp để đạt được các khoản đầu tư vào cơ sở vật chất, NC&PT và việc làm, bất kể tổn thất kinh doanh ban đầu mà các công ty đa quốc gia phải gánh chịu.

Điều quan trọng đối với Việt Nam là phải kịp thời xem xét tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với FDI và quyết định xem có nên áp dụng trợ cấp như một phần của chiến lược thu hút FDI hay không.

Một trường hợp cụ thể là có bằng chứng cho thấy các quốc gia sử dụng trợ cấp một cách hợp lý như một chiến lược thu hút FDI đã chứng kiến sự gia tăng ổn định về vốn FDI. Các quốc gia cạnh tranh cho các hoạt động sản xuất, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Hungary cũng đã ghi nhận sự gia tăng ngay cả trong đại dịch Covid 19 (tham khảo FDI năm 2000).

Một trong những đặc điểm của các quốc gia cung cấp trợ cấp là các quốc gia này thể hiện một chính sách hoặc động cơ chính trị rõ ràng đối với các khoản đầu tư của công ty đa quốc gia, ngầm đưa ra thông điệp của Chính phủ về sự ổn định chính trị và kinh tế. Đây là những cân nhắc quan trọng đối với các công ty đa quốc gia trong việc lựa chọn một địa điểm đầu tư.

Đi cùng với các ưu điểm trên, vẫn cần xem xét các chi phí phải bỏ ra khi thực hiện chính sách trợ cấp bằng tiền như chi phí ngân sách (các khoản chi ngân sách do chi trả trợ cấp cần được tính toán và báo cáo thường xuyên).

Ước tính về nguồn thu bị mất do các chính sách ưu đãi cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các yếu tố đầu vào cần thiết để đưa ra các quyết định chính sách. Ngoài ra, chi phí quản lý của chính phủ khi thực thi chính sách ưu đãi và quản lý việc tuân thủ của người nộp thuế cũng là một điểm quan trọng cần lưu ý.

Sau khi diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS ban hành quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu theo trụ cột 2, đã có một số đề xuất về việc áp dụng cơ chế trợ cấp bằng tiền để thay thế cơ chế ưu đãi thuế TNDN hiện hành.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về việc liệu các khoản trợ cấp này có thể vi phạm các cam kết quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và đã ký kết (đặc biệt là cam kết WTO) và liệu điều này có phù hợp với quy tắc mẫu của OECD và các chú thích cho trụ cột 2 hay không.

Qua phân tích có thể thấy, cơ chế trợ cấp dựa trên chi phí nghiên cứu và phát triển hoặc vốn đầu tư không thuộc loại trợ cấp bị cấm miễn là được cấp cho tất cả các doanh nghiệp được chấp thuận (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, các công ty xuất khẩu và các công ty bán hàng trong nước) và không phụ thuộc vào kết quả hoạt động xuất khẩu hoặc thu nhập từ xuất khẩu.

Các nước thành viên WTO khác có thể xem xét lại các khoản trợ cấp mà một quốc gia đưa ra để xác định xem khoản trợ cấp đó có tạo ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến lợi ích của họ hay không.

Tuy nhiên, khả năng cao một chương trình trợ cấp dựa trên chi phí nghiên cứu và phát triển hoặc vốn đầu tư sẽ không rơi vào các tiêu chí tổn hại nghiêm trọng được nêu trong điều 6 của Hiệp định SCM.

Như vậy, khi xây dựng chương trình trợ cấp bằng tiền, xác định chương trình trợ cấp có xung đột/vi phạm với các cam kết quốc tế hay không là một yếu tố rất cần thiết.

Tin mới lên