Ngân hàng

Áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý TSBĐ: Vietcombank, BIDV kêu khó

(VNF) - Tại Hội thảo: “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 41/2017/QH14”, đại diện cho bộ phận pháp chế của Vietcombank và BIDV đều đề cập đến những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp tài sản bảo đảm. Trong đó phía BIDV cho biết chưa ghi nhận trường hợp nào được tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn.

Áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý TSBĐ: Vietcombank, BIDV kêu khó

Toàn cảnh Hội thảo: “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 41/2017/QH14”

Ông Nguyễn Văn Phương, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho hay khi áp dụng thủ tục rút gọn trong quá trình tố tụng, bên vay vốn/bên bảo đảm có động thái trốn tránh, không hợp tác, dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không đảm bảo được điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, sẽ không thể áp dụng được thủ tục tố tụng rút gọn mặc dù vẫn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42.

Việc chưa quy định cơ chế bắt buộc/đương nhiên áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, cơ chế xét xử đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD theo Nghị quyết 42, theo ông Nguyễn Văn Phương, là chưa thật sự triệt để và đi vào thực tiễn. Ý nghĩa và mục tiêu nhằm tháo gỡ khó khăn về tố tụng, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu tại toà án cũng chưa đạt được.

Về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn, đại diện Vietcombank cho rằng quy định tại Điều 8 Nghị quyết 42 chưa tạo được cơ sở pháp lý cho tòa án áp dụng thủ tục rút gọn rộng rãi khi tổ chức tín dụng khởi kiện, yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Về phía Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Giám đốc Ban pháp chế Nguyễn Thị Phương cho biết BIDV hiện chưa ghi nhận vụ việc nào được tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn và các tổ chức tín dụng khác cũng rất hiếm có báo cáo áp dụng thành công thủ tục này.

Theo bà Nguyễn Thị Phương, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân pháp lý và bản thân thẩm phán cũng băn khoăn và ngại chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn thủ tục rút gọn vì sau này không tránh khỏi khiếu kiện, bản án có thể bị hủy hoặc sửa.

“Ý nghĩa thực tế của Điều 8 Nghị quyết 42 không thực sự đi vào cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Phương cho biết.

Theo đại diện BIDV, cần giải quyết đồng thời 4 nhóm vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng rút gọn là thừa nhận giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ đương nhiên, áp dụng triệt để vấn đề hiệu lực công tín, bảo vệ người thứ ba ngay tình, không đặt ra vấn đề xem xét hiệu lực/vô hiệu của các hợp đồng đã công chứng, đăng ký; rút ngắn tối đa các bước, quy trình tố tụng; áp dụng xét xử 1 cấp thay vì xét xử 2 cấp như các tranh chấp dân sự khác và không áp dụng thủ tục đặc biệt.

Cũng liên quan đến việc áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp tài sản bảo đảm bảo, trong phần tham luận của mình, đại diện Vụ pháp chế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết 1 trong 2 phương án mà NHNN trình Chính phủ đã nêu lên một số đề xuất về vấn đề này.

Cụ thể, trong phương án mà NHNN đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, NHNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết 42 theo hướng có quy định loại trừ không áp dụng quy định về trường hợp xuất hiện tình tiết mới trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn (khoản 3 Điều 317) và quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn (khoản 4 Điều 323) của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đối với các vụ án giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án.

Đồng thời, NHNN cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết 42 theo hướng bổ sung quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng có khoản nợ là nợ xấu.

Tin mới lên