AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid có thể gây đông máu, Bộ Y tế nói gì?
(VNF) - Công ty dược phẩm nổi danh AstraZeneca gần đây đã khiến thế giới hoang mang khi lần đầu thừa nhận vaccine Covid-19 của mình có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp là bệnh huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS).
Tác dụng phụ nghiêm trọng gây đông máu và giảm tiểu cầu
Theo The Telegraph, "gã khổng lồ" dược phẩm AstraZeneca đã viết trong một tài liệu pháp lý nộp lên Tòa án Tối cao Vương quốc Anh vào tháng 2, thừa nhận rằng vaccine AstraZeneca "trong một số trường hợp rất hiếm, có thể gây ra TTS". TTS được biết là gây ra cục máu đông và số lượng tiểu cầu trong máu thấp.
Huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, đặc trưng bởi sự hình thành cục máu đông (huyết khối) cùng với số lượng tiểu cầu thấp (giảm tiểu cầu).
TTS thường biểu hiện với các triệu chứng như nhức đầu dữ dội, đau bụng, sưng chân, khó thở và suy nhược thần kinh. Chẩn đoán bao gồm xét nghiệm máu để đánh giá mức độ tiểu cầu và nghiên cứu hình ảnh để phát hiện cục máu đông.
Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong báo cáo của mình rằng TTS nổi lên như một tác dụng phụ mới sau khi tiêm chủng ở những người được tiêm vaccine dựa trên vec tơ adenovirus không sao chép Covid-19. Các vaccine hoạt động theo cơ chế này gồm AstraZeneca Covid-19 ChAdOx-1 và vaccine Johnson & Johnson (J&J) Janssen COVID-19 Ad26.COV2-S.
Lời thừa nhận của AstraZeneca được đưa ra trong bối cảnh gã khổng lồ dược phẩm đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể tại Vương quốc Anh.
Theo đó, tổng cộng có 51 vụ kiện đã được các nạn nhân và gia đình họ đệ trình lên Tòa án Tối cao, cáo buộc vaccine của AstraZeneca, được phát triển cùng với Đại học Oxford, đã gây ra tử vong và thương tích nghiêm trọng trong hàng chục trường hợp.
Các luật sư tranh luận rằng vaccine tạo ra một tác dụng phụ có tác động tàn phá đối với một số ít gia đình. Trường hợp đầu tiên được đệ trình vào năm ngoái bởi Jamie Scott, một ông bố hai con, người bị chấn thương sọ não vĩnh viễn sau khi phát triển cục máu đông và chảy máu não khiến ông không thể làm việc sau khi tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 4/2021. Bệnh viện đã gọi cho vợ ông ba lần để thông báo rằng chồng bà sắp chết.
Tờ The Telegraph đưa tin rằng các nguyên đơn đang yêu cầu khoản bồi thường trị giá khoảng 100 triệu bảng Anh.
Trong thư phản hồi được gửi vào tháng 5/2023, AstraZeneca nói với các luật sư của ông Scott rằng “chúng tôi không chấp nhận rằng TTS là do vaccine ở cấp độ chung gây ra”.
Lời thừa nhận của AstraZeneca diễn ra sau những tranh cãi pháp lý căng thẳng, sau khi công ty bác bỏ các cáo buộc. Nó có thể dẫn đến việc phải trả tiền nếu công ty dược phẩm chấp nhận rằng vaccine là nguyên nhân gây ra bệnh nặng và tử vong trong các trường hợp pháp lý cụ thể.
Không phải lần đầu được cảnh báo
Loại vaccine của AstraZeneca, được bán dưới nhãn hiệu Covishield và Vaxzevria, trước đây cũng từng được cho là có liên quan đến nguy cơ đông máu. Vào tháng 4/2021, ủy ban an toàn của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã báo cáo rằng việc tiêm vaccine có liên quan đến cục máu đông trong não, bụng và động mạch cũng như giảm tiểu cầu.
Vào thời điểm đó, EMA và Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Vương quốc Anh tuyên bố rằng lợi ích của vaccine lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn và khuyến khích mọi người tiêm chủng.
Trong thông cáo báo chí vào tháng 11/2021, AstraZeneca báo cáo rằng hai tỷ liều vaccine của họ đã được cung cấp cho các quốc gia trên thế giới chưa đầy 12 tháng sau lần phê duyệt đầu tiên.
Gã khổng lồ dược phẩm cũng thu được lợi nhuận từ vaccine Covid-19 lần đầu tiên vào năm 2022 và báo cáo rằng họ đã phân phối khoảng 102 triệu liều vaccine thông qua COVAX trong quý IV/2022.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên trong những tháng gần đây AstraZeneca vướng vào các vụ kiện. Vào tháng 10/2023, công ty đã trả 425 triệu USD (352,37 triệu bảng Anh) để giải quyết các vụ kiện cáo buộc thuốc trị chứng ợ nóng Nexium (esomeprazole) và Prilosec (omeprazole) gây ra bệnh thận mãn tính.
Bộ Y tế nói gì?
Trước thông tin vaccine AstraZeneca có thể gây ra đông máu, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh bệnh (Bộ Y tế) cho hay đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine của AstraZeneca đã được cảnh báo.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, ban đầu khi triển khai tiêm vaccine Covid-19, ngành y tế rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.
Sau đó, ngành y tế đã điều chỉnh dần khi theo dõi thấy vaccine không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Từ lúc ban đầu chỉ tiêm tại cơ sở y tế, sau đó hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được triển khai rộng hơn.
PGS.TS Khuê cho hay hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca đã được tổ chức vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng, do đó, cũng không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.
Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ngoài 30 triệu liều vaccine đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Vì sao giá cổ phiếu Pfizer, Moderna lao dốc bất chấp 'mỏ vàng' vaccine?
- Hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Hậu quả lớn hơn cả đại dịch COVID-19 20/12/2023 11:22
- Mỹ khởi tố 3.000 bị can, tịch thu 1,4 tỷ USD tiền chiếm đoạt từ quỹ cứu trợ Covid-19 25/08/2023 02:26
- Test Covid-19: Từ sản phẩm thuộc sở hữu Nhà nước thành tài sản của Việt Á 20/08/2023 12:17
- FRT muốn mở 100 trung tâm tiêm chủng vaccine 18/04/2024 12:05
Toàn cảnh khu vực sẽ xây Ga đường sắt Đà Nẵng mới
(VNF) - Theo kế hoạch, ga hàng hóa và công trình phụ trợ được di dời ra khu vực ga Kim Liên, ga hành khách dời về khu vực hồ Trung Nghĩa.