Ba quỹ hưu trí người lao động cần biết để an tâm tài chính tuổi già

Xuân Thạch - 14/06/2024 06:30 (GMT+7)

(VNF) - Đa phần những người đang nghỉ hưu, hưởng chế độ của BHXH chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản, thậm chí còn phải chi tiêu tằn tiện hoặc tìm thêm các công việc để gia tăng thu nhập. Do đó, để giải quyết tình trạng này trong tương lai, cần phải bổ sung nguồn tài chính từ các Quỹ hưu trí tự nguyện

Trước nguy cơ bước vào giai đoạn dân số già năm 2036 và lạm phát là vấn đề lớn với người già, lương hưu từ BHXH không thể đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống cơ bản và nhiều nhu cầu khác như chăm sóc sức khoẻ, giải trí, du lịch, biếu tặng hay hỗ trợ con cháu... Các chuyên gia cho rằng, đây chính là khoảng trống chính sách cần được dần lấp đầy bởi các Quỹ hưu trí.

Quỹ Bảo hiểm Xã hội của Chính phủ

Theo số liệu cuối năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước).

Tuy nhiên thực tế cho thấy, đa phần với người lao động tham gia BHXH, với tình hình mức sống và giá cả leo thang như hiện nay, mức lương hưu bảo hiểm xã hội cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Hiện quỹ này bao gồm: Quỹ ốm đau và thai sản; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quỹ hưu trí và tử tuất.

Bà Thanh tranh thủ đi làm giúp việc để có thêm thu nhập cho tuổi già. Ảnh: Xuân Thạch

Bà Mai Thị Kim Thanh, 64 tuổi ở Thái Nguyên cho biết, bản thân có tham gia BHXH thời điểm làm công nhân, theo quy định của nhà nước. Năm 2006 bà nghỉ hưu sau 25 năm công tác, và nhận lương hưu 900 ngàn đồng/1 tháng. Theo bà Thanh, mức lương hưu này không đủ sống, bản thân còn nuôi con 2 con ăn học. Hiện sau 18 năm mức lương nhận hàng tháng tăng lên gần 4 triệu đồng. Mức này được cho là cũng chỉ đủ để bà Thanh chi tiêu cho mức sống cơ bản.

“Hiện tại tôi phải tranh thủ đi làm thêm một số công việc như giúp việc, nhặt vải, các công việc bán thời gian để có thêm thu nhập cho nghỉ hưu”, bác Thanh tâm sự.

Quỹ Bảo hiểm hưu trí

Theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), để có thể duy trì mức sống như trước khi nghỉ hưu, mỗi cá nhân cần có thu nhập tương đương 70 - 75% mức thu nhập bình quân trong 5 năm gần nhất trước nghỉ hưu. Chi trả hưu trí từ bảo hiểm xã hội không thể đạt được mức thu nhập này, do mức hưởng lương hưu quy định là từ 45% với cả Nam và Nữ, tối đa đến 75% mức trung bình lương đóng BHXH. Chính vì vậy mà các Quỹ bảo hiểm hưu trí của các công ty bảo hiểm sẽ là nguồn bổ sung thêm tài chính giúp cho tuổi già an nhàn.

Đặc điểm chung của sản phẩm này là người tham gia đóng góp định kỳ hàng năm cho công ty bảo hiểm trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 10, 15 năm.

Sau thời gian đó, cứ định kỳ đều đặn mỗi năm từ thời điểm nghỉ hưu, công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho người tham gia một số tiền để bổ sung vào nguồn tài chính cho việc nghỉ ngơi. Song song với quyền lợi này là các quyền lợi về chăm sóc sức khoẻ như ốm đau, tai nạn, tử vong cho người tham gia. Mức lợi nhuận mà các quỹ này thường chi trả hàng năm cho người tham gia đóng góp khoảng 4,5-5%.

Quỹ Hưu trí tự nguyện

Trước yêu cầu củng cố hệ thống ASXH, giúp xử lý hài hòa trách nhiệm của Nhà nước và khu vực tư nhân, đảm bảo tính bền vững của hệ thống tài chính trong dài hạn. Ngày 01/07/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, hiện nay đã có một số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận dịch vụ quản lý Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện như MBCapital, VCBF, Dragon Capital…

Về hình thức tham gia, mỗi cá nhân đóng góp số tiền đã đăng ký theo từng kỳ giao dịch hoặc kết hợp với doanh nghiệp để đóng góp. Số tiền có thể dựa theo nhu cầu tích lũy tuổi già của mỗi người hoặc dựa trên cơ sở tự nguyện. Sau này, mức thụ hưởng hưu trí được thanh toán mỗi tháng từ tài khoản cá nhân (giống như một dạng lương hưu) và kéo dài đến khi người lao động nhận được tổng số tiền đóng góp với lợi nhuận đi kèm.

Hệ thống hưu trí đa tầng tại Việt Nam hiện nay, trong đó có Bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện

Ông Đỗ Hiệp Hoà, Giám đốc Đầu tư MBCapital cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn của nhà nước trong việc tạo ra một lớp an sinh xã hội bổ sung cho người lao động khi về hưu.

Do vậy, người lao động nên tham gia sớm sẽ được hưởng lãi suất kép theo thời gian tích lũy khi đến tuổi nghỉ hưu. Nếu đáp ứng đủ yêu cầu cam kết với doanh nghiệp, người lao động còn được hưởng lợi ích từ phần đóng góp từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hoà, việc triển khai Quỹ này vẫn còn gặp nhiều thách thức, đầu tiên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn sau thời kỳ dịch bệnh Covid kéo dài, các doanh nghiệp chưa có nguồn ngân sách dồi dào chăm lo tốt nhất đến phúc lợi của người lao động.

Kế đến, những ưu đãi về thuế thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động khi tham gia chương trình còn nhiều dư địa để cải thiện. Hiện nay, khi tham gia quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp được tính vào chi phí không phải chịu thuế tối đa 3 triệu đồng/người lao động. Đối với người lao động, con số này chỉ là 1 triệu đồng/tháng. Nhiều trường hợp, người lao động chưa được hưởng phần đóng góp của doanh nghiệp đã phải chịu thuế thu nhập ngay trong kỳ.

“Do đó, nếu chính sách thuế hấp dẫn hơn nữa sẽ có nhiều động lực để doanh nghiệp và người lao động tham gia”, ông Hoà nói thêm.

Khi được hỏi mức giảm trừ không tính thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào là phù hợp, ông Hoà đề xuất từ mức 3 triệu tăng lên 5-6 triệu và mức của cá nhân tăng từ 1 triệu lên 3 triệu. Đồng thời xét đến thời điểm chịu thuế hợp lý hơn, sẽ giúp cho người lao động, doanh nghiệp kể cả đối tượng freelancer, kinh doanh tự do… sẽ chủ động quan tâm sản phẩm Quỹ hưu trí tự nguyện này.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cùng với chính sách cải cách bảo hiểm xã hội của nhà nước, cụ thể là điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024, đồng thời đưa ra sản phẩm Quỹ Hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí trên thị trường lúc này là vô cùng cấp thiết, giúp hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng và góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững hơn trong tương lai.

Từ 1/7: Đồng loạt tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Từ 1/7: Đồng loạt tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Tiêu điểm
Từ 1/7 sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo kinh phí về chế độ tiền lương mới.
Cùng chuyên mục
Tin khác