Bà Trương Mỹ Lan nắm cổ phần nghìn tỷ của tại nhiều công ty

Trần Lê - 30/09/2024 16:17 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 30/9, Tòa án Nhân dân TP. HCM tiếp tục phiên xét xử giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát.

Phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm ngày 30/9 tiếp tục phần xét hỏi, làm rõ các vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ của các bị cáo và các quyền tài sản của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Hội đồng Xét xử dự kiến triệu tập đại diện ủy quyền của 2 con gái bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Chu Duyệt Phấn (Mary Chu Yuet Fan) và Chu Duyệt Hằng (Elizabeth Chu Yuet Han) nhằm làm rõ quan điểm của họ về việc xử lý tài sản liên quan đến họ đang bị thu giữ, kê biên trong vụ án.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa TP. HCM

Liên quan đến 18% vốn góp của Công ty Setra (1 trong 4 doanh nghiệp phát hành các lô trái phiếu khống) tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank-Bonday-Bến Thành, đang bị kê biên, bà Nguyễn Thị Minh Hải (đại diện Vietcombank) đề nghị Hội đồng xét xử hủy bỏ lệnh kê biên để Vietcombank và Setra triển khai việc chuyển nhượng.

Theo bà Hải, Vietcombank và Setra đã ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp, việc ký kết này được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) hướng dẫn cụ thể về phương thức, quy định. Dự kiến Vietcombank sẽ thanh toán toàn bộ cho Setra thông qua hình thức chuyển khoản, đảm bảo quy định pháp luật theo hướng dẫn của C03.

Đại diện Setra cũng đề nghị Hội đồng Xét xử giải tỏa kê biên để công ty bán lại cổ phần cho Vietcombank và xin giữ lại 20% để đóng thuế, phí, số còn lại sẽ dùng để khắc phục hậu quả của việc phát hành trái phiếu.

Trình bày về nguồn gốc 18% cổ phần tại Công ty Setra, bà Trương Mỹ Lan cho biết đây là cổ phần của mẹ bà. Theo bà Lan, gia đình bà chuyên góp vốn tại các công ty để lấy lãi.

Bà Lan đề nghị Hội đồng Xét xử giải tỏa kê biên đối với số cổ phần này nhưng yêu cầu được đem ra bán đấu giá, người nào trả giá cao thì bán và người nhà bị cáo được đứng ra bán.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 24/9, bị cáo Lan đã đề xuất sử dụng 18% phần vốn góp tại Công ty Vietcombank-Bonday-Bến Thành, trị giá khoảng 919 tỷ đồng để trả tiền cho các trái chủ.

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Setra được thành lập và hoạt động vào tháng 10/1999; kinh doanh bất động sản; vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Về việc 73,4% cổ phần tại Công ty Cổ phần đầu tư Hợp Thành 1 cũng bị kê biên, bà Lan trình bày, hoạt động của công ty này là phục vụ du lịch chứ không phải buôn bán tài sản, bất động sản. Theo bà Lan, toàn bộ là của cha mẹ, không liên quan đến bị cáo.

Đối với 82% cổ phần tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam, bà Lan khẳng định không thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cũng không dính tới Ngân hàng SCB.

Liên quan tới Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại dịch vụ Hòa Thuận Phát, theo bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Lan) công ty này do bà nội cho tiền để thành lập. Công ty này không có giá trị nhiều về vật chất nhưng có giá trị về truyền thống gia đình, bị cáo mong muốn được giữ lại để sau này có cơ hội sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển.

Cũng mong muốn được giữ lại Công ty Hòa Thuận Phát, bà Trương Mỹ Lan khai, công ty này do mẹ bị cáo cho 3 anh em Trương Huệ Vân và chủ yếu để hoạt động từ thiện, xây dựng chùa, không liên quan gì tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đối với 1,4 triệu cổ phần Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đang bị kê biên, bà Lan cho biết, bị cáo không biết bản thân có bao nhiêu phần trăm tại TVSI, chỉ xin Hội đồng Xét xử xem xét, phần nào của bị cáo thì giữ lại để khắc phục hậu quả, phần nào không phải thì xin trả lại.

Trương Mỹ Lan đề nghị các ngân hàng trả lại 17.320 tỷ đồng

Trương Mỹ Lan đề nghị các ngân hàng trả lại 17.320 tỷ đồng

Tiêu điểm
(VNF) - Chiều 23/9, Tòa án Nhân dân TP. HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Cùng chuyên mục
Tin khác