Tài chính

BAF sắp phát hành 65,52 triệu cổ phiếu thưởng và cổ tức, tổng tỷ lệ 84%

(VNF) - Dự kiến khi hoàn tất, vốn điều lệ của Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) sẽ tăng từ 780 tỷ đồng lên 1.435,2 tỷ đồng.

BAF sắp phát hành 65,52 triệu cổ phiếu thưởng và cổ tức, tổng tỷ lệ 84%

BAF sắp phát hành 65,52 triệu cổ phiếu thưởng và cổ tức, tổng tỷ lệ 84%

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu.

Cụ thể, BAF thông báo ngày 10/5 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông chia cổ tức với tỷ lệ 45% bằng cổ phiếu, đồng thời doanh nghiệp cũng thực hiện chốt danh sách thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 39%.

Như vậy, với 78 triệu cổ phiếu đang lưu hành, BAF dự kiến phát hành thêm 65,52 triệu cổ phiếu mới, tương đương tổng tỷ lệ 84%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 84 cổ phiếu. Khi hoàn tất, vốn điều lệ của BAF sẽ tăng lên 1.435,2 tỷ đồng.

Được biết tính đến cuối năm 2021, BAF sở hữu hệ thống 16 trại nuôi heo thịt và heo giống với tổng đàn heo lên đến 130.000 con - đứng tốp 5 thị trường heo hơi Việt Nam (về tổng đàn).

Năm 2021, BAF ghi nhận doanh thu 10.435 tỷ đồng, giảm gần 19% so với năm trước, đóng góp chủ yếu từ hoạt động kinh doanh nông sản và chăn nuôi. Sản lượng heo bán ra trong năm đạt hơn 155.000 con, tăng hơn 2,3 lần cùng kỳ.

Với chiến lược lấy mảng chăn nuôi làm trọng tâm, biên lợi nhuận gộp cả năm 2021 đạt 4,7%, tăng 3,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ (trong đó biên lợi nhuận gộp từ mảng chăn nuôi lên đến 36%). Lợi nhuận sau thuế đạt mức 322 tỷ đồng, tăng trưởng 703% so với năm 2020.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, biên lãi gộp mảng chăn nuôi và thực phẩm của BAF luôn dao động từ 35 - 39% trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi “leo thang” do chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Các lợi thế của BAF gồm có 3 nhà máy sản xuất cám với tổng công suất 460.000 tấn/năm (chủ yếu tiêu thụ nội bộ), đồng thời có vị thế là nhà thương mại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) hàng đầu Việt Nam, công ty tiếp cận được nguồn cung nguyên liệu đầu vào có giá thành hợp lý và ổn định.

Chính vì vậy, chi phí cám (TACN) của BAF ước tính thấp hơn 10 - 15% chi phí thị trường. BAF cũng áp dụng mô hình trang trại theo công nghệ 4.0 đảm bảo được năng suất heo giống và giảm thiểu chi phí không cần thiết và công ty không bán heo hơi cho thương lái mà trực tiếp giết mổ, bán sản phẩm thịt có thương hiệu tới người tiêu dùng, với giá từ 50.000 - 200.000 đồng/kg.

PHS kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt heo hơi tăng trong 2022 nhờ sự mở cửa trở lại của các nhà hàng, trường học và nhà máy khi Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới” sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt heo vào năm 2022, đạt 3,4 triệu tấn vào năm 2022 với tăng trưởng CAGR là 3,1% trong giai đoạn 2022 - 2030.

Trong khi đó, nguồn cung có thể thiếu hụt nếu tình dịch dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh khiến đàn heo bị tiêu hủy và giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến nhiều nông dân e ngại tái đàn. Kỳ vọng mức giá heo hơi có thể quay lại mức từ 60.000 - 65.000 đồng/kg.

Năm 2022, PHS ước tính doanh thu của BAF đạt 6.019 tỷ đồng (giảm 42% cùng kỳ), do BAF giảm tỷ trọng mảng nông sản và chuyển hướng sang vào mảng chăn nuôi; biên lãi gộp ước đạt 10,2%, tăng 5,5 điểm phần trăm so với 2021 nhờ chuyển dịch sang kênh phân phối bán lẻ và vận hành mảng chăn nuôi theo mô hình 3F khép kín; lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 405 tỷ đồng, tăng trưởng 26%.

Về phía BAF, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và tăng 25% so với thực hiện năm trước, khá sát so với dự phóng của PHS.

Gần đây, BAF đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với ông Phan Ngọc Ân từ ngày 15/3, đồng thời bầu ông Trương Sỹ Bá, ông chủ Tập đoàn Tân Long, giữ chiếc ghế "nóng" nhất doanh nghiệp.

Tin mới lên