Tiêu điểm

'Bản chất nền kinh tế vẫn rất khó khăn' và 'nguồn cung BĐS cực kỳ nghèo nàn'

(VNF) - "Kinh tế đang hồi phục là câu nói mang tính khích lệ, nhìn sâu vào bản chất kinh tế vẫn rất khó khăn” hay "nguồn cung bất động sản cực kỳ nghèo nàn và không có chất lượng' là những phát ngôn gây được chú ý trong tuần qua.

'Bản chất nền kinh tế vẫn rất khó khăn' và 'nguồn cung BĐS cực kỳ nghèo nàn'

Tăng trưởng GDP quý II được hỗ trợ nhiều bởi khu vực xây dựng (chủ yếu đến từ đầu tư công).

'Kinh tế đang hồi phục là câu nói mang tính khích lệ'

Theo ông Thế Anh, nhìn vào tăng trưởng các nhóm ngành trong quý II có thể thấy nền tảng phục hồi chưa chắc chắn. Mặc dù tăng trưởng GDP quý II cải thiện hơn so với quý I nhưng vẫn còn ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước COVID-19. Trong quý II, nhiều ngành nghề suy giảm mạnh đặc biệt những ngành liên quan công nghiệp chế biến chế tạo, hướng đến xuất khẩu.

“Công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản sụt giảm mạnh dịch vụ lưu trú và ăn uống không còn đột biến; dịch vụ tài chính tăng chậm lại trong khi kinh doanh bất động sản tiếp tục suy giảm. Tăng trưởng GDP quý II được hỗ trợ nhiều bởi khu vực xây dựng (chủ yếu đến từ đầu tư công). Hay nói một cách khác tăng trưởng quý II đến từ những thứ không phải mang ý nghĩa phục hồi chắc chắn của nền kinh tế”, ông Thế Anh bình luận.

Với những thực tế trên, ông Thế Anh nhấn mạnh "kinh tế đang hồi phục là câu nói mang tính khích lệ, nhìn sâu vào bản chất kinh tế vẫn rất khó khăn”.

>>>Xem thêm: 'Nói kinh tế đang phục hồi chỉ là khích lệ, nhìn sâu vào bản chất vẫn rất khó khăn'

Nhìn vào doanh nghiệp sẽ biết rất khó để hoàn mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%. 

PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam bày tỏ lo ngại khi, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên còn số mới gia nhập giảm so với cùng kỳ.

“Nhìn vào doanh nghiệp sẽ biết trước được rất khó để hoàn mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như vậy, tăng trưởng nửa cuối năm dựa trên cơ sở nào, đặc biệt khi FDI năm nay cũng được đánh giá là khó khăn và tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm dựa vào ai?”, ông Thiên đặt vấn đề.

Ngoài ra, theo PGS. TS Trần Đình Thiên, “Sau hai, ba năm COVID-19 nền kinh tế kiệt quệ, Việt Nam vẫn đang xử sự như một nền kinh tế trong trạng thái bình thường, cần tìm các giải pháp mang tính khác thường”.

Ông Thiên nhấn mạnh đây là thời điểm đặc biệt khó khăn với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cộng hưởng với những cái khó bên ngoài. Giai đoạn này cũng cho phép Việt Nam nhận diện lại cấu trúc kinh tế, nền kinh tế dựa vào lao động rẻ đang có vấn đề.

>>>Xem thêm'Tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm: Dựa trên cơ sở nào và dựa vào ai?'

'Vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7'

Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Đồng thời khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2023.

Đến nay, Bộ Tài chính cho biết đã sẵn sàng mọi điều kiện kỹ thuật để vận hành chính thức hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Hệ thống này cho phép thành viên giao dịch kết nối và gửi lệnh lên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Hệ thống hiện hỗ trợ 2 loại lệnh là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường (báo cáo giao dịch). Đối với lệnh điện tử, thành viên có thể lựa chọn gửi lệnh chào đến một số thành viên nhất định hoặc gửi lệnh đến tất cả các thành viên của thị trường và chỉ các thành viên nhận được lệnh chào mới có thể xác nhận lệnh.

Hệ thống cho phép trao đổi thông tin giao dịch, thông tin lưu ký với hệ thống của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Việc thanh toán các giao dịch được thực hiện theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch, hoặc lệnh sẽ được thanh toán vào cuối ngày giao dịch theo lựa chọn của nhà đầu tư. Hệ thống cho phép tra cứu thông tin về sổ lệnh, thông tin về trái phiếu, thống kê giao dịch.

>>>Xem thêm: 'Vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7'

'Xin ý kiến quá 7 ngày không trả lời coi như đồng ý'

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), về quy trình, thủ tục, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không trông chờ, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Chính phủ, xin ý kiến quá 7 ngày thì nếu không trả lời coi như đồng ý.

Về các nhiệm vụ cụ thể với các nhóm dự án, đối với nhóm chưa duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Thủ tướng giao Bộ GTVT và các địa phương (Thái Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bình Phước) khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đã được giao là cơ quan có thẩm quyền, chủ quản thực hiện dự án.

Đối với nhóm đang thi công, về 3 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo đầu tư theo phương thức PPP và Nghi Sơn-Diễn Châu đầu tư công) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023.

Về các dự án cao tốc gồm Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Biên Hòa-Vũng Tàu, Khanh Hòa-Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TP. HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội… các dự án khởi công trong tháng 6/2023 phải cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 31/12/2023)

Về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ACV hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách để khởi công trong tháng 8 tới.

>>>Xem thêm: Thủ tướng: 'Xin ý kiến quá 7 ngày không trả lời coi như đồng ý'

'Nguồn cung bất động sản cực kỳ nghèo nàn và không có chất lượng'

Ông Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, sự sụt giảm cầu trong thị trường bất động sản là rất mạnh. Nguyên nhân cơ bản khiến giao dịch về nhà ở giảm mạnh là do nguồn cung không đảm bảo, dòng tiền, giá bán và tâm lý của các nhà đầu tư, khách hàng lo ngại rủi ro, lãi suất cao. Trong đó, nguyên nhân chủ đạo là nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu số đông. Sự thiếu hụt này có liên quan đến hàng nghìn dự án đang vướng mắc về pháp lý không thể tham gia thị trường.

Ông Đính cho rằng nguồn cung trên thị trường bất động sản hiện nay là cực kỳ nghèo nàn và không có chất lượng, rất yếu và không phù hợp. Hiện nay đang có hơn 200 dự án bất động sản đang 'chào hàng' trên thị trường, tuy nhiên, phần lớn dự án có nguồn cung không phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

"Tất nhiên đây không phải là sự thiếu hụt nghiêm trọng mà chỉ là sự thiếu hụt tạm thời. Bởi hiện nay đang có trên 1.000 dự án đang phải nằm chực chờ do liên quan tới điểm nghẽn về pháp lý. Các dự án này đang rất muốn tham gia vào thị trường nhưng không thể tham gia, thậm chí có những dự án đã hoàn thành rồi, cơ bản có thể đưa vào thị trường được rồi nhưng vẫn bị vướng", ông Đính nói.

>>>Xem thêm: Chủ tịch VARS: 'Nguồn cung bất động sản cực kỳ nghèo nàn và không có chất lượng'

Tin mới lên