Tiêu điểm

Phát ngôn ấn tượng: 'Đừng quá hào hứng... vì còn nhiều việc phải làm'

(VNF) - 'Đừng quá hào hứng, bình tĩnh nhìn vào thực tiễn vì còn nhiều việc phải làm'. Đây là một trong những phát ngôn ấn tượng trong tuần được TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ khi nói về Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TP. HCM.

Phát ngôn ấn tượng: 'Đừng quá hào hứng... vì còn nhiều việc phải làm'

Nghị quyết 98 được kỳ vọng tạo động lực để phát triển TP. HCM. (Ảnh: Vietnamnet)

'Đừng quá hào hứng, bình tĩnh nhìn vào thực tiễn vì còn nhiều việc phải làm'

Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM đã được Quốc hội khoá XV thông qua. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để phát triển TP. HCM.

TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, đây là một sự kiện đáng mừng. Tuy nhiên, nên bình tĩnh hơn là hào hứng với một Nghị quyết mới.

"Chúng ta nên nhìn vào thực tiễn và suy ngẫm xem sẽ làm được những điều gì cho hiện tại và tương lai. Nghị quyết mới chỉ thêm một công cụ để chúng ta thực hiện tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông kinh tế cho TP đầu tàu của cả nước", ông Cung nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nhìn một cách khách quan thì Nghị quyết chỉ đang tháo gỡ những thứ lâu nay mà thành phố đang gặp phải hàng ngày mà chưa gỡ hết, nên vẫn còn nhiều thứ phải làm. Do đó, trong quá trình triển khai thành phố cần đặt ở tâm thế, vị trí sẵn sàng. Điều quan trọng không chỉ triển khai thành công mà phải xem cuộc sống của người dân thay đổi thế nào, kinh tế phát triển ra sao…

>>>Xem thêm: 'Đừng quá hào hứng, bình tĩnh nhìn vào thực tiễn vì còn nhiều việc phải làm' 

'Không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ'

Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho hay, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước kiên trì, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao trên bình diện từ Trung ương đến địa phương với tư tưởng “không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bất kể đó là ai.

“Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi và sâu chỗ nào, dột chỗ nào chúng ta xử lý chỗ đó. Việc này trong thời gian vừa qua diễn ra đúng như vậy. Thậm chí, chúng ta làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, sâu sắc hơn. Trước đây, chúng ta chỉ xử lý những người liên quan trực tiếp đến thất thoát tài sản của Nhà nước. Bây giờ chúng ta xử lý trách nhiệm người đứng đầu không sâu sát, không chặt chẽ để bộ máy của mình, cấp của mình vi phạm gây thất thoát tài sản”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước, trước đây, mọi người thường nói “trên nóng dưới lạnh” nhưng gần đây Đảng và Nhà nước đã làm đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Sau một năm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh thành; qua tổng kết đánh giá, đã thấy rõ việc này. Bên cạnh việc phòng chống, Đảng và Nhà nước cũng tích cực cho việc phòng ngừa. Cụ thể, sau mỗi vụ án, sau mỗi lần xử lý đều có chỉ đạo để hoàn thiện cơ chế pháp luật.

>>>Xem thêm: Chống tham nhũng: 'Không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ'

‘GPMB vành đai 3, vành đai 4 chỉ 1 năm, các dự án khác mất 10 năm’

Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan từ trung ương tới cơ sở; các cơ quan ở trung ương tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, giám sát, kiểm tra, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm…

Thủ tướng lấy ví dụ, việc giao Hà Nội và TP. HCM triển khai các dự án xây dựng các tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4 đã giúp việc giải phóng mặt bằng các dự án này được triển khai rất nhanh trong vòng 1 năm. Trong khi đó, có những dự án hạ tầng giao thông trước đây tại 2 thành phố này mất tới 10 năm để giải phóng mặt bằng và đội vốn lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội đang có khó khăn, thách thức nhưng nếu có quyết tâm thì chúng ta sẽ vượt qua được, nhất là với việc quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

>>>Xem thêm: Thủ tướng: ‘GPMB đường vành đai 3, vành đai 4 chỉ 1 năm, các dự án khác mất 10 năm’

"Cả chục năm nay nói về nhà xã hội nhưng phải nói thẳng rằng... không thành công"

Đây là phát biểu thẳng thắn củaTS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) tại hội thảo "Một triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp". Ông Ánh nói: "Cả chục năm nay chúng ta nói về nhà ở xã hội nhưng thực tế trong suốt thời gian phải nói thẳng rằng... không thành công".

"Và nhìn lại vì sao lại như vậy?. Có lẽ chỉ dùng một từ thôi đó là "loay hoay" trong câu chuyện gỡ vướng. Tôi khẳng định rằng, chắc chắn không gỡ được và càng gỡ sẽ càng vướng!", TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, chỉ còn khoảng 5 - 6 năm thực hiện, trong khi 1 triệu căn là một chương trình, mà dự tính phải khoảng 1 triệu tỷ đồng. "Việc triển khai trong 5- 6 năm với cách thức quản lý, triển khai như hiện tại là không thể thực hiện nổi", TS Vũ Đình Ánh quan ngại.

TS Vũ Đình Ánh cũng nêu rõ: "Chúng ta chưa giải quyết được vấn đề căn cốt nhất trong chương trình nhà ở xã hội là mua-bán. Kéo theo câu chuyện tín dụng, vay thì không có tiền".

"Chúng ta đang làm chính sách cho người thu nhập thấp nhưng đối tượng hướng đến lại là những người không thu nhập thấp. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi thấy nhiều người lái ô tô đi mua nhà ở xã hội", TS Ánh nói thêm

TS Vũ Đình Ánh cho rằng hiện tại đang chuyện phân cấp chính sách cho chính quyền địa phương chứ không có chính sách thống nhất từ trên xuống dưới, dẫn đến có hiện tượng "thích thì làm, không thích thì thôi". Vì vậy, để chương trình 1 triệu nhà ở thành công, TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần phải thay đổi toàn bộ thể chế chứ không thể loay hoay vài vấn đề nhỏ lẻ như hiện nay.

'Bất động sản Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng giai đoạn 2024 - 2026'

Theo bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield Việt Nam, bất động sản luôn trải qua qua bốn giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới. Các giai đoạn có thể được mô tả như sau: phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng và suy thoái. Dường như Việt Nam những tháng qua đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Nhưng cũng có thể nói một cách lạc quan rằng thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.

Nhìn lại hành trình 30 phát triển thị trường của Việt Nam, nữ CEO cho rằng nền tảng kinh tế hiện tại mạnh mẽ hơn nhiều sau khi thị trường trải qua từng thời kỳ suy thoái và khủng hoảng. Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam gia tăng mạnh mẽ hơn về cả số lượng và quy mô sau từng đợt đóng băng. Bên cạnh đó, số lượng các nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng phát triển và mở rộng danh mục đầu tư.

"Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại, sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2026, đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng", CEO Cushman & Wakefield dự báo.

>>>Xem thêm: 'Bất động sản Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng giai đoạn 2024 - 2026'

Tin mới lên