Bàn thua nặng của PVoil: Mất 140 tỷ đồng trong một tháng cuối năm

Phương Dung - 23/01/2019 21:03 (GMT+7)

Đại diện doanh nghiệp đầu mối chia sẻ rằng giá dầu giảm kỷ lục vào quý cuối cùng của năm 2018, thậm chí có thời điểm giảm 15 ngày liên tiếp, đặc biệt có ngày mất tới 8%. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải chịu khoản lỗ tương đối lớn.

VNF
PVOil lỗ tới 140 tỷ đồng trong riêng tháng 12/2018 bởi giá dầu thế giới sụt giảm mạnh

Chia sẻ tại cuộc họp báo sáng 23/1, ông Cao Hoài Dương - Tổng công ty Dầu (PVoil) cho hay năm 2018 với doanh nghiệp này là tỷ số 2-1, trong đó có 2 bàn thắng và 1 bàn thua.

"Bàn thắng thứ nhất là đầu năm chúng tôi IPO thành công. Bàn thắng thứ hai là triển khai thành công sản phẩm dịch vụ mới. Nhưng chúng tôi có bàn thua, bàn thua khá nặng. Tháng 12 chúng tôi mất 140 tỷ đồng khi giá dầu lao dốc quá mạnh", ông nói.

Theo ông Dương, mọi người ít để ý chuyện giảm giá quý IV/2018 hơn là giá dầu giảm trong giai đoạn 2014-2014. Tuy nhiên, trong quý IV giá dầu ghi nhận kỷ lục khi có thời điểm giảm giá liên tục 15 ngày.

"Chưa bao giờ như vậy. Trước giá dầu có khi giảm vài ngày thì lại nhích lên nhưng đây giảm liên tục 15 ngày. Đặc biệt có ngày giảm 8%. Cho nên doanh nghiệp bị lỗ về tồn kho vì giảm giá thế nên khách không mua nhiều, chúng tôi đưa hàng đi khó khăn. Doanh nghiệp đầu mối thì đẩy hàng ra, giảm tồn kho, cắt lỗ, còn khách không mua, dẫn đến chạy đua về giá", ông Dương cho biết.

Ông Dương cho biết nhà nước cho doanh nghiệp đầu mối lãi 1.300 đồng 1 lít cả chi phí lợi nhuận. Trong khi đó, cuộc đua về giá có lúc đẩy chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối cho khách hàng lên tới 3.200 đồng nên chuyện lỗ không thể tránh khỏi.

"Riêng tháng 12 chúng tôi lỗ 140 tỷ đồng. Thực ra cũng do những tháng đầu năm tranh thủ thị trường thuận lợi, tồn kho hợp lí nên cả năm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Tất nhiên bàn thua này không phải do lỗi chúng tôi mà là do khách quan, nhưng đó là điểm không vui", ông Dương nói.

Ngoài ra, ông Dương cũng cho biết bước sang ngày 1/1/2019, nhà nước tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

"Khi tăng thuế thì nhà nước phải tăng giá. Nhà nước không tăng mà còn giảm giá, doanh nghiệp đầu mối phải chịu hết.  Mỗi lít xăng tồn kho từ 2018-2019 thì lỗ 1.000 đồng bởi doanh nghiệp đầu mối phải trả số tiền thuế bảo vệ môi trường tăng thêm cho cả số xăng tồn kho đó", ông cho biết.

Đại diện doanh nghiệp đầu mối này cũng phân trần những ngày đầu năm vừa rồi, giá dầu thế giới tăng nhưng nhà nước điều hành không hề tăng giá bởi đây là giai đoạn nhạy cảm gần Tết, không muốn gây áp lực cho người dân. "Chúng tôi là doanh nghiệp phải chịu thôi. Cho nên tháng 1 chúng tôi cũng chịu thiệt hại nặng nề", ông nói thêm.

Theo Dân trí
Cùng chuyên mục
Tin khác