Tài chính quốc tế

Bang đầu tiên của Mỹ chính thức cấm TikTok

(VNF) - Ngày 17/5, Thống đốc Montana Greg Gianforte đã ký luật cấm TikTok, khiến bang này trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này.

Bang đầu tiên của Mỹ chính thức cấm TikTok

Montana trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ cấm TikTok.

Luật mới sẽ áp đặt những hạn chế rộng nhất và nghiêm ngặt nhất đối với việc sử dụng nền tảng truyền thông xã hội nổi tiếng hàng đầu thế giới, được thúc đẩy bởi những lo ngại của chính phủ Mỹ về việc chính phủ Trung Quốc truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ. 

Theo luật mới, TikTok sẽ bị phạt 10.000 USD cho mỗi ngày nền tảng này hoạt động trên các thiết bị ở Montana sau khi luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2024, cũng như tồn tại trên các cửa hàng ứng dụng di động để tải xuống ở bang này. 

Người dùng sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc truy cập ứng dụng. 

Tuy nhiên, có vẻ chắc chắn lệnh cấm mới sẽ tạo ra những thách thức pháp lý cũng như khởi động một quy trình phức tạp để thực thi, vì văn bản hiện hành của luật không giải thích quy trình thực thi để xóa phần mềm khỏi các thiết bị đã cài đặt phần mềm này.

Luật cũng sẽ cho phép một số mục đích sử dụng TikTok, bao gồm cả mục đích thực thi pháp luật hoặc nghiên cứu bảo mật. 

Đáng chú ý, lệnh cấm sẽ trở nên vô hiệu nếu TikTok – thuộc sở hữu của công ty ByteDance Ltd. có trụ sở tại Bắc Kinh – được mua lại bởi một công ty “không được thành lập ở bất kỳ quốc gia nào khác được chỉ định là đối thủ nước ngoài”, theo văn bản được công bố của bang Montana.

Thống đốc Greg Gianforte, một đảng viên Cộng hòa, đã cấm TikTok “để bảo vệ dữ liệu cá nhân và riêng tư của người Montana”, ông đăng tweet ngày 17/5.

Động thái này là một trong những động thái kịch tính nhất trong một loạt các hành động leo thang của Mỹ chống lại TikTok, công ty thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, hiện có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ. 

Về phía TikTok, công ty cho rằng lệnh cấm là bất hợp pháp và nói rằng nó “vi phạm quyền của Tu chính án thứ nhất của người dân Montana”.

“Chúng tôi muốn trấn an người dân Montana rằng họ có thể tiếp tục sử dụng TikTok để thể hiện bản thân, kiếm sống và tìm kiếm cộng đồng khi chúng tôi tiếp tục làm việc để bảo vệ quyền của người dùng trong và ngoài Montana”, một phát ngôn viên của TikTok tuyên bố. Người phát ngôn cũng đặt câu hỏi lệnh cấm sẽ được thực hiện như thế nào.

Mặc dù Montana là tiểu bang đầu tiên loại bỏ quyền truy cập của công chúng vào ứng dụng video dạng ngắn này, nhưng trước đó, các lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị và mạng của chính phủ Mỹ đã được áp dụng trên toàn quốc vào cuối năm ngoái. Đỉnh điểm là vào tháng 12, cùng tháng mà 4 nhân viên ByteDance mất việc sau khi truy cập thông tin tài khoản của các nhà báo Mỹ.

Chính phủ Mỹ và 38 tiểu bang đã ban hành lệnh cấm như vậy và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đàm phán với công ty để giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia. Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada và một số quốc gia khác gần đây đã áp đặt các lệnh cấm tương tự.

Các nhà lập pháp liên bang cũng đã nêu lên những lo ngại về an ninh quốc gia và bảo mật dữ liệu trên nền tảng này, nhưng chưa đưa ra bằng chứng nào về việc chính phủ Trung Quốc truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu người dùng của TikTok.

Xem thêm >> Chính phủ Mỹ quyết thực hiện bằng được lệnh cấm TikTok

Tin mới lên