Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021

VNF - 20/07/2021 10:43 (GMT+7)

(VNF) - Kế thừa những kết quả đã đạt được của năm 2020, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi trong những tháng đầu năm, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của dịch Covid-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế…

VNF
Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành trên 60 nghị định.

Trong những tháng đầu năm, Chính phủ đã kiện toàn tổ chức, bộ máy với tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục xây dựng Chính phủ tinh gọn, hành động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, rõ chức năng, rõ nhiệm vụ, không chồng chéo; phát huy tối đa tính chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo; đổi mới công tác xây dựng pháp luật, trên cơ sở bám sát, tôn trọng và xuất phát từ thực tiễn.

Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành trên 60 nghị định để triển khai kịp thời các luật đã được Quốc hội thông qua; sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý trong từng lĩnh vực cụ thể giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh.

Nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các cơ quan, cả trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an... đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch; thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, tiêm phòng miễn phí cho người dân.

Cùng với những kết quả đạt được thì 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,1%); cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu (6 tháng nhập siêu 1,47 tỷ USD); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.

Cùng với đó, chiến lược vắc-xin còn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng vắc-xin còn thấp; nguy cơ có thể lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc-xin.

Đặc biệt, đến hết tháng 6 năm 2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 . Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm còn chậm, đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (34%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%.

Quý độc giả quan tâm có thể xem toàn văn Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tại đây.

Cùng chuyên mục
Tin khác