Hồ sơ VNF

Báo cáo điểm lại kinh tế tháng 3/2023 của World Bank: Đánh thức tiềm năng dịch vụ

(VNF) - Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế tháng 3/2023 của World Bank là chuyên đề đặc biệt với nội dung đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng.

Báo cáo điểm lại kinh tế tháng 3/2023 của World Bank: Đánh thức tiềm năng dịch vụ

Các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò chính trong hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng năng suất một cách bền vững.

Theo báo cáo, khu vực dịch vụ đã và đang có những đóng góp hết sức quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn so với các quốc gia so sánh khác.

Cụ thể, trong thập kỷ qua, các ngành dịch vụ là khu vực lớn nhất của nền kinh tế. Quy mô khu vực dịch vụ tăng từ 40,7% GDP trong năm 2010 lên 44,6% GDP trong năm 2019. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng từ 19% năm 1991 lên 35,3% năm 2019, hấp thụ phần lớn lao động dịch chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp và biến khu vực dịch vụ trở thành nguồn cung cấp việc làm đứng thứ hai trong cả nước, sau nông nghiệp. 

Trong thời gian tới, các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò chính trong hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng năng suất một cách bền vững để vươn tới khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Tất cả các nền kinh tế thu nhập cao đều có đặc trưng sở hữu một khu vực dịch vụ lớn, vừa là nơi thu hút việc làm lớn nhất vừa tạo giá trị gia tăng, đóng vai trò thiết yếu để nâng cao năng suất cho các nền kinh tế đó. Ví dụ, vào năm 2019, dịch vụ (theo giá trị gia tăng) chiếm 70,8% GDP của Singapore và 57,2% của Hàn Quốc.

Tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ lần lượt chiếm 84% và 70% tổng số lao động tại Singapore và Hàn Quốc. Ngoài ra, dịch vụ còn đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cấp mô hình phát triển của Việt Nam qua nâng cao giá trị gia tăng ở các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng kết quả đạt được của khu vực dịch vụ chưa xứng tầm so với các quốc gia so sánh khác. Năng suất và việc làm ở khu vực dịch vụ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực, có cơ cấu tương tự hoặc phát triển hơn.

Ví dụ, năng suất lao động trong các lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) tăng 34.3% trong giai đoạn từ năm 2011 – 2019. Tuy nhiên, mặc dù ở mức 5.000 USD mỗi nhân công năm 2019, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia so sánh, như Malaysia (20.900 USD), Philippines (9.300 USD) và Indonesia (7.300 USD).

Xuất khẩu dịch vụ có tay nghề cao, giàu kiến thức (được gọi là dịch vụ đổi mới toàn cầu) chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Chỉ 6.4% tổng số lao động trong ngành dịch vụ là làm việc ở nhóm này, bao gồm công nghệ thông tin, tài chính, và các dịch vu chuyên sâu vốn thuộc nhóm hiệu quả nhất của nền kinh tế.

Ngoài ra, quy mô nhỏ của các công ty, hạn chế đối với thương mại dịch vụ, áp dụng công nghệ thấp và ít liên kết liên ngành ảnh hưởng đến năng suất. 

Quý độc giả quan tâm có thể xem toàn văn báo cáo điểm lại tháng 3/2023 của World Bank tại đây.

Tin mới lên