Hồ sơ VNF

Báo cáo phân tích dòng vốn FDI vào Việt Nam của VinaCapital

(VNF) - Theo phân tích của ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho FDI, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế và/hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần.

Báo cáo phân tích dòng vốn FDI vào Việt Nam của VinaCapital

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định.

FDI là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam trong thập kỷ qua. Việt Nam tăng trưởng vượt trội so với các nước trong khu vực về thu hút vốn đầu tư nước ngoài kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra.

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện những lo ngại rằng Việt Nam có thể mất đi lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn này, một phần do các công ty như Apple ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Ấn Độ.

Ông Michael Kokalari cho biết chuyến thăm Ấn Độ của CEO Tim Cook vào tháng trước đã làm dấy lên một loạt suy đoán về ý định của Apple và những công ty khác sẽ xây dựng các nhà máy mới tại Ấn Độ. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các sản phẩm được sản xuất tại những nhà máy ở Ấn Độ sẽ được bán ở thị trường nội địa nước này. 

Cụ thể, thông báo của Apple vào tháng 4 vừa qua về các kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ đã dấy lên nhiều tin tức, nhưng điều này cũng nhất quán với các tập đoàn đa quốc gia khác đang đầu tư vào Ấn Độ chủ yếu là sản xuất các sản phẩm dành cho người tiêu dùng tại thị trường nội địa và điều này rất khác so với mục đích đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam đang theo đuổi cái gọi là “Mô hình phát triển Đông Á”, đây cũng là cách tiếp cận mà các nền kinh tế được ví như “Con hổ của châu Á” đã vận dụng để trở nên giàu có. Chiến lược tăng trưởng kinh tế này tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ và các nước phát triển khác.

Phần lớn các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam đều đang đóng góp vào nỗ lực đó. Gần như tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam đều nhằm mục đích xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu).

Ngược lại, Ấn Độ đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng thị trường nội địa, vì vậy các công ty đa quốc gia đầu tư vào nước này nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng thay vì coi đó là cơ sở sản xuất để xuất khẩu.

Ví dụ, doanh số bán iPhone của Apple ở Ấn Độ đã bùng nổ trong những năm gần đây, như có thể thấy trong bảng trên, vì vậy Apple đổ tiền vào Ấn Độ để tăng công suất sản xuất iPhone tại đây, vốn không theo kịp nhu cầu nội địa.

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng, hai lý do chính khiến các công ty không đầu tư nhiều vào Ấn Độ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là những vấn đề liên quan đến lực lượng lao động (bao gồm cả trình độ) và luật lao động nghiêm ngặt. Các nhà máy ở Ấn Độ có hơn 100 người lao động đều cần có sự chấp thuận của chính phủ trước khi sa thải bất kỳ nhân viên nào. 

Bởi vậy, vị chuyên gia này cho rằng Ấn Độ không thể làm cản trở dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và tin rằng FDI có thể sẽ vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới. Không nên xem làn sóng FDI vào Ấn Độ là sự chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam.

Quý độc giả quan tâm có thể xem báo cáo phân tích dòng vốn FDI vào Việt Nam tại đây.

Tin mới lên