Báo Mỹ: Ukraine nên 'thổi bay' cầu Crimea của Putin!

Lê Anh - 17/05/2018 09:38 (GMT+7)

(VNF) - Một bài báo được đăng trên tờ tuần báo chính trị bảo thủ Mỹ - Washington Examiner ngày 16/5 cho rằng việc Nga khánh thành cây cầu Crimea là một “sự sỉ nhục đáng phẫn nộ đối với một quốc gia như Ukraine”, đồng thời kêu Ukraine đánh bom cây cầu này.

VNF

Bài báo của tác giả Tom Rogan có tựa đề “Ukraine should blow up Putin’s Crimea bridge”, tạm dịch "Ukraina nên thổi bay cây cầu của Putin".

Mở đầu bài báo, tác giả viết” "Hôm 15/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khai trương cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối Crimea của Ukraina với phần đất liền của Nga. Ông ta đã làm điều đó với vẻ hùng dũng thường thấy của mình bằng cách dẫn đầu đoàn xe".

Theo tác giả, “công trình này có ý nghĩa đặc biệt vì là biểu tượng của sự chinh phục lãnh thổ Ukraine một cách chính thức về mặt vật chất cũng như tinh thần".

Tổng thống Nga tham dự lễ khánh thành cây cầu nối bán đảo Crimea với miền nam nước Nga.

Thêm vào đó, tác giả còn đưa ra đề xuất tấn công quân sự vào cây cầu: "Lực lượng không quân Ukraine có đủ năng lực để đánh sập cầu, nhưng cần phải làm việc này sao cho số lượng nạn nhân là ít nhất". Theo tác giả, một cú ném bom như vậy sẽ là "lời quở trách dành cho Putin".

Ngày 15/5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khánh thành cây cầu bắc ngang qua eo biển Kerch, nối liền Nga và Crimea. Theo CNN, dự án xây dựng cây cầu này đã trở thành biểu tượng cho 18 năm lãnh đạo nước Nga của ông Putin.

Theo điện Kremline, tổng chi phí xây dựng cây cầu là 228 tỷ ruble (gần 3,69 tỷ USD). Cây cầu dài 19 km này hiện đã được công nhận là cây cầu dài nhất châu Âu. Nó nối liền vùng Krasnodar của Nga với bán đảo Crimea, lãnh thổ được sáp nhập vào Nga năm 2014.

Với chiều dài 19 km, cầu Crimea đã trở thành cây cầu dài nhất tại châu Âu.

Ngoài ra, cây cầu này còn tượng trưng cho tình trạng cô lập của Nga trên trường quốc tế. Năm 2014, sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, các quốc gia phương Tây đã nhanh chóng giáng các đòn trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Nga.

Hiện nay, các lệnh trừng phạt đó vẫn tiếp tục được duy trì, và thậm chí còn gia tăng thêm sau khi Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên ông Putin vẫn tiếp tục chú trọng hoàn thành kế hoạch xây cầu nối đến Crimea.

Crimea được sáp nhập vào Nga sau chiến dịch quân sự thần tốc của Moscow và một cuộc trưng cầu dân ý tại đây hồi đầu năm 2014. Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn xem Crimea là lãnh thổ của Ukraine. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây, đồng thời kéo theo một loạt các lệnh trừng phạt dành cho Moscow.

Ngoài tuyến đường bộ gồm 4 làn đường, cầu còn có một tuyến dành cho đường sắt.

Lãnh đạo nước Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng người dân Crimea đã bỏ phiếu quay về sát nhập với Nga bằng con đường dân chủ, hoàn toàn phù hợp với quyền quốc tế và Hiến chương LHQ.

Tuy nhiên, cho đến nay, Ukraine vẫn chưa nguôi các ý định tìm mọi cách để giành lại bán đảo Crimea từ tay Nga bởi quyết định sáp nhập vào Nga được chính những người dân ở đây bỏ phiếu và lựa chọn.

Cây cầu nối liền Nga-Crimea không chỉ mang lại những triển vọng về cơ hội hợp tác kinh tế, mà nó còn mang ý nghĩa biểu tượng đối với ông Putin và cả nước Nga. Đối với chính phủ Nga, việc sáp nhập Crimea và khánh thành cây cầu nối liền Nga-Crimea thể hiện niềm tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước.

Xem thêm >> Xe chen chúc chạy qua cầu Nga-Crimea dài nhất châu Âu

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác