Báo Mỹ: Việt Nam là nước ứng phó dịch Covid-19 thành công nhất trên toàn cầu

Thanh Tú - 24/05/2020 14:01 (GMT+7)

(VNF) - Tờ Politico (Mỹ) mới đây đã đưa ra bảng xếp hạng 30 quốc gia hàng đầu về hiệu suất chống dịch Covid-19. Trong đó, Việt Nam được đánh giá tốt nhất về cả kết quả chống dịch lẫn triển vọng kinh tế.

VNF
Tờ Politico (Mỹ) xếp hạng Việt Nam là nước ứng phó dịch Covid-19 thành công nhất trên toàn cầu (Ảnh minh họa)

Cụ tể, Politico đưa ra bảng xếp hạng dựa trên việc thống kê về tình trạng lây nhiễm, số ca tử vong, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp và các biện pháp chống dịch của chính phủ từng nước.

Trong số 30 quốc gia được xếp hạng, Politico đánh giá Việt Nam là nước “ứng phó dịch covid-19 thành công nhất trên toàn cầu”.

“Việt Nam là nước đông dân nhưng không có ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm được ghi nhận trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó dịch Covid-19 thành công nhất trên toàn cầu”, Politico nhận định.

Politico, tờ báo Mỹ chuyên về các vấn đề chính trị, cho biết, họ xếp hạng dựa trên việc tham khảo số liệu thống kê chính thức về dịch bệnh từ Worldometer, Đại học Johns Hopkins và từ các nghiên cứu riêng của tòa soạn.

Politico đã chia 30 quốc gia thành 3 nhóm màu: Các nước có viền tím áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức nghiêm ngặt, các nước có viền vàng áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức vừa phải, các nước có viền xanh áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức nhẹ.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 24/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 5.401.222 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 343.799 ca tử vong, hiện đang có 53.562 trường hợp bệnh nặng và nguy kịch.

Những con số thống kê mới cho thấy số lượng bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trên toàn cầu đã tăng gấp đôi chỉ trong 1 tháng, trong đó hơn 250.000 ca mới được ghi nhận chỉ trong 3 ngày qua.

Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.666.244 ca nhiễm và 98.661 ca tử vong.

Số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang giảm ở châu Âu, khiến nhiều nước bắt đầu nới phong tỏa, song mức độ vẫn chưa thống nhất. Bên cạnh tâm lý nhẹ nhõm là nỗi lo sợ rằng nếu các nước vội vàng mở cửa nền kinh tế, nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm thứ hai là rất lớn.

Ở khu vực Nam Bán cầu, Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiện đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận tổng cộng 342.410 ca bệnh và 21.934 ca tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây tuyên bố Nam Mỹ hiện là "tâm chấn mới" của đại dịch Covid-19, trong đó tình hình tại Brazil là đặc biệt đáng báo động.

Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 31.068 ca nhiễm, trong đó 23 người chết. Indonesia xếp thứ hai với 21.745 ca nhiễm và 1.351 ca tử vong.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19.

Tính tới sáng 24/5, Việt Nam đã có 38 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Trong số 325 ca mắc Covid-19 được ghi nhận, 184 người là nhập cảnh và được cách ly ngay. Cho đến nay đã có 267 ca được công bố khỏi bệnh.

Hiện tại, Việt Nam có 15.412 người đang được cách ly, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 58 người, tại cơ sở khác 8.523 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú 6.831 người.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Mỹ trừng phạt 33 công ty Trung Quốc, 194 nước yêu cầu điều tra độc lập Covid-19

Theo Politico
Cùng chuyên mục
Tin khác