Bất chấp Nga phản đối, Mỹ quyết rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân

Minh Đăng - 24/10/2018 10:23 (GMT+7)

(VNF) - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 23/10 cho biết: “Washington sẽ vẫn triển khai kế hoạch từ bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân bất chấp sự phản đối của Nga và một số nước châu Âu”.

VNF
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Bolton đưa ra tuyên bố này tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày tại điện Kremlin.

Cuộc gặp kéo dài 90 phút giữa ông Bolton và Tổng thống Nga Putin có vẻ không mang lại sự thay đổi đột phá nào đối với quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces Treaty - INF) của ông Trump.

Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, “hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh này không giải quyết được các mối đe dọa tên lửa mới từ những nước như Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và do đó trở nên dư thừa”.

Ông Bolton cho biết Mỹ sẽ gửi thông báo rút lui chính thức vào lúc thích hợp, và tiết lộ rằng quá trình đó có thể mất vài tháng.

“Vấn đề là giờ đây phía Nga có vi phạm ở châu Âu. Tuy nhiên, trước giờ phía Nga luôn bác bỏ mình đã vi phạm hiệp ước. Mối đe dọa không phải là việc Mỹ rút khỏi INF, mà mối đe dọa là các tên lửa của Nga đã được triển khai", ông Bolton nói với các phóng viên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki của Phần Lan hôm 16/7.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, hiệp ước INF đã lỗi thời bởi vì những quốc gia khác được tự do phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung trong khi Mỹ bị bó buộc bởi hiệp ước. Ông lưu ý rằng các nỗ lực trước đây để lôi kéo các nước khác tham gia hiệp ước đã không đi đến đâu.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố rút khỏi INF, cho rằng Nga liên tục vi phạm thỏa thuận này bằng việc phát triển tổ hợp tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn tới 5.000 km. INF được Washington và Moskva ký từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km.

Nga đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định không vi phạm hiệp ước, đồng thời cảnh báo rằng họ buộc sẽ đáp trả tương xứng để khôi phục cán cân quân sự nếu ông Trump vẫn cứ thực hiện lời đe dọa rút khỏi Hiệp ước INF.

Nhiều nước châu Âu cũng lên án quyết định này của Mỹ, cho rằng nó sẽ kích hoạt một cuộc chay đua vũ trang theo kiểu Chiến tranh Lạnh.

Ở động thái liên quan mới nhất, giới chức Mỹ và Nga ngày 23/10 xác nhận đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 11/11 ở Paris, song chi tiết chương trình nghị sự vẫn đang được thảo luận.

Ông Putin và ông Trump từng nhiều lần gặp nhau bên lề các cuộc họp đa phương. Hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa hai lãnh đạo được tổ chức tại thủ đô Helsinki của Phần Lan hôm 16/7.

Sau hội nghị, ông Trump bị chỉ trích là không cứng rắn trước Putin, đặc biệt trong vấn đề Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Xem thêm >> Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc ‘quan ngại sâu sắc’

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác