Bất động sản

Bất động sản Bình Thuận: Gương vỡ có lại lành?

(VNF) - Bình Thuận là cứ điểm lớn về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của miền Trung. Nhưng sau hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai, nhiều dự án bỏ hoang, niềm tin của giới đầu tư bị xói mòn nghiêm trọng. Bình Thuận đang cần một chiến lược phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp và minh bạch hơn.

Bất động sản Bình Thuận: Gương vỡ có lại lành?

Bình Thuận là cứ điểm lớn về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của miền Trung.

Những dự án hoang phế

Ở phường Phú Hải, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có một dự án bất động sản khá lớn, một thời được quảng cáo rầm rộ, mang tên “Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2”. Đây là dự án do Công ty Cổ phần Tân Phát Việt làm chủ đầu tư. Cách đây nhiều năm, chủ đầu tư đã vẽ ra một viễn cảnh đầy hấp dẫn về một khu đô thị hiện đại và đa dạng dịch vụ, nơi có những khu nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp. Viễn cảnh đó đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư đổ về mua bán. Nhưng bây giờ, dự án chỉ còn lại những bãi cỏ hoang.

Ba khu đất số 18, 19, 20 - nơi được Thanh tra Chính phủ kết luận vi phạm khi giao đất cho doanh nghiệp từ năm 2017 nhưng các cơ quan chức năng Bình Thuận lại áp mức giá đất của năm 2013, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước - đã được phân lô và nhiều người mua đã phải “ôm hận”. Nơi các ô đất trống, cỏ mọc đầy chỉ còn lại trống trơn một sàn giao dịch bất động sản đã đóng cửa mang tên Công ty Danh Khôi.

Cách đấy chưa đầy 2km, dự án Rang Dong Luxury Apartment Tower cũng chỉ còn là tàn tích, khi UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi và hủy bỏ quyết định cấp cho Công ty TNHH khu nghỉ mát Phan Thiết đầu tư. Trước đó, dự án này cũng đã được một số sàn giao dịch bất động sản mở bán dưới hình thức đặt cọc với các tờ rơi quảng cáo về một tòa cao ốc hiện đại.

Tại dự án Hamubay Phan Thiết, từng được rao bán rầm rộ và quảng cáo là thiên đường xanh cho nhà đầu tư, những lô đất vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Dự án Hamubay là một trong số bốn dự án mà công dân Bình Thuận có đơn tố cáo gửi đến Thanh tra Chính phủ về việc UBND tỉnh Bình Thuận giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Hay tại phường Mũi Né, khu du lịch sinh thái Xuân Quỳnh những tưởng sẽ hứa hẹn là một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp cũng phải tạm dừng để phục vụ công tác điều tra. Bên trong dự án rào kín, giờ vẫn trơ trọi các khu đất trồng dừa.

Niềm tin đã mất

Tình cảnh hoang phế của các dự án từng gây “sốt” một thời đã đánh quỵ niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản Bình Thuận. Hiện nay, một số chủ đầu tư đang tiến hành quảng cáo để mở bán sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng nhưng dường như chừng đó là không đủ để khỏa lấp khoảng trống về niềm tin của người mua nhà.

Anh Mạnh Hà, một nhà đầu tư ở TP. HCM từng lăn lộn “lướt sóng” bất động sản ở Bình Thuận, thừa nhận: “Thị trường chia thành hai mảng màu đen trắng rõ rệt, tốc độ xây dựng nhanh như khu của Novaland cũng có, nhưng những dự án hoang phế lại xuất hiện nhiều hơn. Giờ mà xuống tiền mua, không cẩn thận là mắc cạn”.

Còn chị Hương Thu, người cũng đang mong muốn sở hữu một căn nhà nghỉ dưỡng ở Phan Thiết đắn đo: “Thực sự mất niềm tin, lo lắng nhất là tính pháp lý của dự án, không cẩn thận là tiền mất tật oan”.

Chị Nguyễn Thanh Mai, một khách hàng ở Hà Nội có ý định mua một căn nhà phố ở dự án Thanh Long Bay, Phan Thiết cho biết môi giới chào bán rất nhiều nhưng khi tìm hiểu thông tin về dự án lại thấy rất trái chiều. Có thông tin nói dự án đang bị đo đạc để phục vụ điều tra, lại có thông tin nêu ý kiến của chủ đầu tư là tập đoàn Nam Group khẳng định tính pháp lý hoàn toàn yên tâm, lại có thông tin khác cho thấy dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản nên chủ đầu tư không được phép bán sản phẩm ra thị trường. “Tìm thông tin xác thực khó như mò kim đáy bể”, chị Mai nói.

Thông tin từ HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, nhiều dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng quảng cáo rao bán nhưng chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Tại nhiều kỳ họp của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND đề nghị, để tránh các vụ khiếu kiện dân sự đất đai phức tạp, yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải công khai cho người dân biết dự án bất động sản nào đủ điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm thông tin công khai về tính pháp lý đang rất khó khăn với các nhà đầu tư. Thậm chí, ngay cả phóng viên khi tìm đến các cơ quan chức năng liên quan như Sở Tài Nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nhằm tìm hiểu thông tin cũng bị các cán bộ né tránh.

Ngoài ra, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng của Bình Thuận gặp không ít trở ngại về việc cấp “sổ đỏ” cho người mua. “Một khung pháp lý không hoàn chỉnh, không gỡ được các điểm nghẽn đang làm khó khăn cho chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người mua. Vướng câu chuyện sổ đỏ bị treo, thì rất khó để chúng tôi đầu tư lâu dài”, một nhà đầu tư thứ cấp than thở.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, trong các yếu tố cản trở nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, pháp lý chiếm tỷ trọng lớn nhất ở mức 50%, tiếp đến là kinh tế - tài chính (chiếm 30%) và các yếu tố khác (chiếm 20%). Số liệu này cho thấy, cạnh tranh về giá chưa hẳn là quan trọng mà nằm ở tính pháp lý của dự án. Với Bình Thuận, khi dư âm về hàng loạt dự án vướng sai phạm còn để lại, điều này còn quan trọng hơn.

Tăng trưởng và niềm tin

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2021 và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022. Lãnh đạo UBND tỉnh thừa nhận, cần phải tăng cường đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và giải quyết nhanh các hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và người dân.

Không thể phủ nhận về lợi thế hạ tầng và tiềm năng du lịch mà Bình Thuận đang có. Cuối năm nay, hai dự án quan trọng nhất của khu vực là cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết và sân bay Phan Thiết dự kiến sẽ về đích. Ngoài ra, Bình Thuận còn có tuyến đường ven biển ĐT.719 và ĐT.719B đang tăng tốc thi công. Sân bay Long Thành cách Kê Gà khoảng 1 giờ di chuyển cũng đặt ra lộ trình hoàn thiện năm 2025 kéo khách quốc tế về cho khu vực.

Cùng với hạ tầng, lượng khách du lịch phục hồi sau đại dịch cũng là niềm hi vọng cho thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của tỉnh này. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Bình Thuận phát triển bền vững hay không, có tránh khỏi những cơn sốt ảo, nóng lạnh thất thường làm mất niềm tin của người đầu tư hay không còn phụ thuộc vào sự thay đổi trong tư duy quản lý và yếu tố con người.

Tại một hội nghị mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Binh Thuận Dương Văn An cũng đã chỉ ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Thuận, trong đó có lĩnh vực bất động sản. “Quan trọng là yếu tố con người, cần tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và cơ chế chính sách, quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân”, Bí thư tỉnh ủy Dương Văn An nói.

Một thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Bình Thuận bền vững và tăng trưởng phải bắt đầu từ niềm tin, từ đội ngũ quản lý có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Một thị trường chuyên nghiệp cần có thông tin pháp lý dự án minh bạch, rõ ràng. Không thể để những “lỗ hổng” dùng quyền lực để giao đất, cấp phép dự án trái pháp luật, cho ra đời những dự án mà ở đó nhà đầu tư, người mua bất động sản phải gánh chịu rủi ro.

Tin mới lên