Là sản phẩm cao nhất của thị trường cả về chất lượng và giá trị, bất động sản hàng hiệu được nhìn nhận có “hấp lực” mạnh mẽ với giới thượng lưu và nhà đầu tư vì những giá trị bền vững theo thời gian.

Năm 2017, thị trường bất động sản Việt Nam xôn xao khi đại diện CBRE Việt Nam - bà Dương Thùy Dung, cho biết TP. HCM sẽ có căn hộ giá 8.000 – 10.000 USD/m2. Thời điểm ấy, đó gần như là giá bán căn hộ cao nhất thị trường. Thế nhưng, chỉ sau 4 năm, những sản phẩm có giá cao hơn thế rất nhiều đã xuất hiện. Trước tiên là Grand Marina Saigon với giá kỷ lục hơn 18.000 USD/m2 trong đợt mở bán tại Hồng Kông, tiếp đó là khu căn hộ hàng hiệu Ritz-Carlton tại The Grand Hanoi với mức giá gấp nhiều lần mức đỉnh cũ. Một dấu mốc mới đã được thiết lập, và cái tên đứng sau những dự án đó là Masterise Homes. Nhà phát triển bất động sản còn khá trẻ này đã lần đầu tiên mang đến cho thị trường Việt Nam khái niệm “bất động sản hàng hiệu” (Branded Residences) – phân khúc căn hộ mang thương hiệu hợp tác phát triển cùng tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới Marriott International.

Theo Savills, bất động sản hàng hiệu là sản phẩm kết hợp giữa một đơn vị phát triển bất động sản với một đơn vị có thương hiệu tốt về dịch vụ quản lý, thiết kế. Đây là sản phẩm cao cấp nhất của thị trường, thường tồn tại dưới loại hình chung cư hoặc biệt thự.

Một báo cáo của Savills phát đi hồi tháng 4/2021, ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt trong lĩnh vực bất động sản hàng hiệu thế giới. “Những thương hiệu lớn mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế và chất lượng quản lý, bởi vậy, trong thời gian tới các thương hiệu lớn này sẽ được biết đến nhiều hơn, thị trường sẽ có những phản ứng tích cực đối với loại hình sản phẩm này”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.

Cũng theo Savills, các thương hiệu xa xỉ đang ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn đối với giới thượng lưu, như một minh chứng của sự thành công. Đây cũng là điều mà Masterise Homes chia sẻ về nguyên do đầu tư bất động sản hàng hiệu.

Trả lời phỏng vấn với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Gibran Bukhari, Giám đốc khối Kinh doanh, Masterise Homes cho biết nghiên cứu của công ty này cho thấy khách hàng Việt Nam, nhất là những người đã có cơ hội tiếp xúc với trải nghiệm sống và du lịch ở nước ngoài, đang đặt ra yêu cầu cao hơn và tinh tế hơn với bất động sản trong nước. Hơn nữa, nhóm người này còn muốn căn nhà là biểu tượng cho địa vị và thành công, có giá trị bền vững trước mọi biến cố - vượt xa những xa xỉ phẩm thông thường như túi xách hay siêu xe.

“Luôn luôn có một lực đẩy vô hình, thôi thúc chúng ta hướng đến một chuẩn mực sống tốt hơn, từ thời trang, phương tiện di chuyển cho tới phong cách sống,” ông Bukhari chia sẻ. Nhu cầu này đã được đơn vị này ghi nhận từ trước đó nhưng khi dịch bệnh diễn ra, những biến đổi tâm lý và lối sống đã vô tình làm nổi bật lên những giá trị của phân khúc bất động sản hàng hiệu. “Đó là chuẩn mực sống siêu sang gần như không bị gián đoạn bởi giãn cách xã hội, vì bạn đã có thể trải nghiệm những dịch vụ, tiện ích tiêu chuẩn cao nhất ngay trong khu căn hộ của mình. Kiến tạo với chất lượng đẳng cấp, vận hành và quản lý bởi đội ngũ chuyên nghiệp, bất động sản hàng hiệu là tài sản ‘tích sản’ tượng trưng cho thành công và địa vị”, ông Gibran cho biết thêm.

Như vậy có thể nói sự ra đời của bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam xuất phát từ nhu cầu có thực của xã hội, chứ không phải là ý chí đơn thuần của chủ đầu tư. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, nhấn mạnh rằng bất động sản hàng hiệu là bước phát triển đúng quy trình của thị trường địa ốc Việt Nam. “Thị trường bất động sản đã phát triển liên tục từ năm 2014 tới nay, năm nào cũng tăng 15% – 20%, thậm chí 30%, nguồn lực tích lũy cực lớn. Thị trường phát triển cao dần và đến ngưỡng thì xuất hiện hàng hiệu, đó là bước phát triển tất yếu”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá sự ra đời của bất động sản hàng hiệu là phù hợp để đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận người mua. “Thế giới đang phẳng, Việt Nam đang hội nhập, đón nhận dòng đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp, doanh nhân toàn cầu. Họ đã vào nước ta thì phải có chỗ ở phù hợp. Vì thế, bất động sản hàng hiệu là một phân khúc bổ sung, đa dạng hóa và tăng thêm sự lựa chọn cho thị trường”.

Là sản phẩm đỉnh cao, bất động sản hàng hiệu hội tụ đầy đủ các giá trị nổi bật: vị trí đắc địa, thiết kế độc đáo, tầm nhìn rộng mở, chất lượng xây dựng vượt trội và dịch vụ mang tính đặc quyền, mang tới những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Nói như ông Nguyễn Văn Đính: “Bộ Xây dựng ra bộ tiêu chí phân loại nhà ở, chia thành 3 hạng A, B, C, gồm 4 nhóm tiêu chí với 20 tiêu chí cụ thể, từ vị trí, hạ tầng, mật độ, dịch vụ... nhưng cũng chỉ áp dụng cho sản phẩm phổ thông thôi, còn bất động sản hàng hiệu là loại siêu cấp, nằm ngoài các tiêu chí này”.

Chính vì vậy, giá trị của bất động sản hàng hiệu được định vị ở mức rất cao, chưa từng có tại Việt Nam. Nghiên cứu của Savills chỉ ra, bất động sản hàng hiệu cao hơn tới 31% so với sản phẩm tương đương nhưng không có thương hiệu. Tại các thị trường mới, mức chênh lệch có thể lên tới 40% - 45%, thậm chí gấp đôi với các thị trường chưa có nhiều dự án. Ví dụ như một dự án hạng sang có giá bán 10.000 USD/m2, nếu được gắn thương hiệu thì khách hàng có thể sẵn sàng chi trả mức giá 20.000 USD/m2.

Mặc dù giá rất cao, song theo đánh giá của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, điều này hoàn toàn tương xứng với giá trị. “Việc này tương tự như khi bạn mua chiếc túi xách hàng hiệu hay nghỉ ngơi tại một khách sạn hạng sang. Giá thành của một khu nghỉ dưỡng 5 sao được quản lý bởi các nhà vận hành quốc tế sẽ đắt hơn là tại một khách sạn 4 hay 5 sao không có tên tuổi, chất lượng trải nghiệm vì thế sẽ khác nhau. Đó chính là sự khác biệt giữa yếu tố giá cả và giá trị”, ông nói.

Nhìn sâu hơn vào giá của bất động sản hàng hiệu, có thể thấy, vị trí đắc địa và nguồn cung hạn chế là hai yếu tố trọng yếu làm nên và bảo vệ giá trị của dòng sản phẩm này. Đơn cử như khu căn hộ hàng hiệu The Ritz-Carlton Residences, Hanoi tọa lạc tại ngã tư Hàng Bài, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ vài chục mét, là “mảnh đất kim cương” của Hà Nội. Toàn dự án chỉ có 104 căn và chỉ mở bán số lượng giới hạn cho thị trường Việt Nam, số còn lại mở bán tại thị trường quốc tế.

Giá trị của bất động sản hàng hiệu còn được bảo chứng bởi thương hiệu. Để được gắn thương hiệu, dự án phải đảm bảo bộ tiêu chí khắt khe của nhà quản lý, từ thiết kế, nội thất cho đến dịch vụ và tiện ích đều cao hơn một bất động sản hạng sang thông thường. Đáng nói là chất lượng của dự án hàng hiệu được công nhận ở quy mô toàn cầu. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự an tâm rất lớn cho cả người mua lẫn người sử dụng. Ví dụ như Marriott International, tập đoàn quản lý danh tiếng này hiện chiếm tới 1/3 thị phần toàn thế giới, có mức độ nhận diện thương hiệu rất cao. Với một thị trường mới nổi như Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể e dè nếu chưa tìm hiểu về vị trí, pháp lý, chủ đầu tư dự án, song khi được gắn thương hiệu Marriott, họ có thể sẵn sàng xuống tiền ngay cả khi chưa tới thăm nhà mẫu. Bằng chứng là khi dự án Grand Marina – dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên tại Việt Nam - mở bán ở Hồng Kông, nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng mua với mức giá kỷ lục 18.000 USD/m2.

Giá trị của thương hiệu cũng mang tới cho bất động sản hàng hiệu yếu tố cần thiết để trở thành biểu tượng, do đó bảo lưu và gia tăng giá trị theo thời gian. Một điển hình cho câu chuyện này là dự án Sherry-Netherland tại New York (Mỹ). Mặc dù có tuổi đời lên đến gần 100 năm, một căn hộ chiếm toàn tầng 18 với diện tích 650m2 tại đây vẫn được bán với giá lên đến 95 triệu USD vào năm 2012.

Đặc tính giữ giá của bất động sản hàng hiệu càng được thể hiện trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Một ví dụ thực tế là những căn hộ hàng hiệu như The Ritz-Carlton Residences tại Băng Cốc (Thái Lan) đã ghi nhận mức tăng giá ổn định và vẫn đang tiếp tục thu hút nhu cầu đầu tư của khách hàng thượng lưu trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 hiện nay. Về số lượng, theo Savills, bất chấp tác động của đại dịch tới ngành địa ốc trong năm 2020, bất động sản hàng hiệu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng so với các lĩnh vực khác. Sau một thập kỷ tăng trưởng ở mức 170%, năm 2020 tiếp tục ghi nhận con số tăng trưởng kỷ lục của lĩnh vực này.

 

Bất động sản hàng hiệu được nhìn nhận là kênh đầu tư triển vọng tại Việt Nam, do số lượng khan hiếm trong khi nhu cầu đang thực sự tăng trưởng. Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho biết năm 2020, lượng kiều hối của Việt Nam đạt 15,7 tỷ USD, xếp thứ 9 toàn cầu. Có 16% - 20% lượng kiều hối này được đổ vào bất động sản. “Đầu tư bất động sản hàng hiệu sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn sau các động thái nới lỏng lãi suất thế chấp”, ông nhìn nhận.

Trên thực tế, lượng khách hàng của bất động sản hàng hiệu đều là giai tầng thượng lưu, siêu giàu, và giai tầng này lại đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Vào năm 2020, số người giàu của Việt Nam đạt khoảng 19.500 người, tăng 6% mỗi năm từ 2015 đến 2020. Đến năm 2025, số người giàu sẽ đạt đến 25.800 người, đưa Việt Nam lên tốp 4 Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với bất động sản siêu cấp tại Việt Nam đang ngày càng tăng, nhất là khi bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam vẫn đang có mức giá hấp dẫn hơn so với các thành phố trong khu vực, đi cùng đó là triển vọng tăng trưởng vốn, lợi suất hấp dẫn và đặc biệt là chưa có thuế đối với bất động sản hạng sang.

Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, nhìn nhận thị trường Việt Nam tồn tại dung lượng để hấp thụ bất động sản hàng hiệu. “Đây là dòng sản phẩm kĩ, chậm nhưng lãi cao”, ông nói. Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, ông Trần Khánh Quang, đánh giá bất động sản hàng hiệu Việt Nam mới chỉ tương đương 60% - 70% về giá so với thế giới, do đó dư địa tăng trưởng giá bán vẫn còn khá nhiều. Bởi vậy, không quá bất ngờ khi Masterise Homes cho biết toàn bộ căn hộ tại khu căn hộ hàng hiệu The Ritz-Carlton Residence, Hanoi trong đợt mở bán đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đã được đặt chỗ thành công.

Bình luận về việc phát triển bất động sản hàng hiệu, ông Trần Khánh Quang cho rằng, sự xuất hiện của dòng sản phẩm này mang ý nghĩa như là một sự công nhận của quốc tế đối với Việt Nam – một thị trường tốt, bền vững. “Rõ ràng, muốn làm bất động sản hàng hiệu thì phải hợp tác với những thương hiệu đẳng cấp thế giới. Khi các thương hiệu này chấp nhận thì đồng nghĩa họ đánh giá cao sự phát triển tốt của thị trường Việt Nam”, ông Quang nhận xét.