Bắt tay Tổng công ty 319, Đại Phong trúng gói thầu 253 tỷ tại Hà Nội

Minh Đức - 10/10/2024 10:45 (GMT+7)

(VNF) - Việc được các chủ đầu tư “chọn mặt gửi vàng” tại nhiều gói thầu có giá trị khủng giúp Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong của ông Trần Quang Đại ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Ngày 1/10/2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng ký quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu trúng thầu Gói thầu 01 Thi công xây dựng công trình thuộc dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Đản Dị đến tuyến đường Võ Nguyên Giáp, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong – Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), với giá trúng thầu hơn 253,12 tỷ đồng, giá gói thầu hơn 265,05 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 710 ngày.

Trong vai trò liên danh, Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong trúng gói thầu hơn 253 tỷ đồng tại Hà Nội

Trúng thầu chục nghìn tỷ khắp Bắc – Nam

Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong (Công ty Đại Phong) tiền thân là doanh nghiệp tư nhân Đại Phong, được thành lập từ năm 1999. Đến năm 2004, chuyển đổi doanh nghiệp thành Công ty cổ phần, trong đó ông Trần Quang Đại (sinh năm 1973) là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty.

Công ty hoạt động trên 5 lĩnh vực chủ chốt gồm: xây dựng cơ bản; kinh doanh vật liệu xây dựng; khai thác kinh doanh khoáng sản; bất động sản công nghiệp và bất động sản đô thị.

Cổ đông sáng lập Công ty Đại Phong gồm: ông Trần Quang Đại góp 16,5 tỷ đồng (82,5%), ông Trần Quang Vấn góp 2 tỷ đồng (10%), và ông Trần Quang Nguyện góp 1,5 tỷ đồng (7,5%).

Sau khi tham gia đấu thầu (ngày 12/7/2016), Công ty Đại Phong liên tục tăng vốn điều lệ. Cụ thể, cuối tháng 3/2017, Công ty Đại Phong tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Quang Đại góp 326,5 tỷ đồng (93,3%), ông Trần Văn Vấn góp 11,5 tỷ đồng (3,3%) và ông Trần Văn Nguyện 12 tỷ đồng (3,4%). Đến tháng 9/2017, Công ty Đại Phong tăng vốn điều lệ lên mức 700 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, Công ty Đại Phong đã tham gia đấu và trúng 60 gói thầu trên cả nước với trị giá trúng thầu hơn 80.138 tỷ đồng dưới tư cách độc lập và liên danh, tỷ lệ trúng thầu trên 95%.

Công ty Đại Phong có địa chỉ trụ sở tại khu A, thị trấn Lâm, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định

Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2020 – 2022, doanh thu thuần của Công ty Đại Phong gia tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2020 đạt doanh thu hơn 1.801,1 tỷ đồng; năm 2021 tăng lên 2.233,9 tỷ đồng, tăng 51,6% so với năm trước đó.

Bước sang năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.716,8 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm trước đó. Như vậy, sau 3 năm doanh thu thuần của công ty tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020.

Tỷ lệ thuận với doanh thu là lợi nhuận gộp của Công ty Đại Phong giai đoạn 2020 – 2022 cũng tăng theo chiều mũi tên đi lên. Cụ thể, năm 2020 công ty ghi nhận lợi nhuận gộp đạt hơn 34,82 tỷ đồng; năm 2021 là hơn 52,45 tỷ đồng; và tới năm 2022 đạt mức hơn 87,58 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2020 – 2022, Công ty Đại Phong ghi nhận lãi sau thuế lần lượt tương ứng là: 2,42 tỷ đồng; 5,11 tỷ đồng và 7,25 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Công ty Đại Phong giai đoạn 2020 – 2022 gia tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2020 là hơn 2.226,3 tỷ đồng; năm 2021 tăng lên gần 3.251,1 tỷ đồng và năm 2022 là hơn 3.647,4 tỷ đồng.

Chiếm chủ yếu trong tổng tài sản của doanh nghiệp là tài sản ngắn hạn. Cụ thể, năm 2020 là hơn 1.224,2 tỷ đồng (chiếm 55%); năm 2021 là hơn 2.939,1 tỷ đồng (chiếm 90,4%) và năm 2022 là hơn 3.448,7 tỷ đồng (chiếm 94,5%).

Nợ phải trả của Công ty Đại Phong giai đoạn 2020 – 2022 liên tục “phình to” theo từng năm. Cụ thể, nợ phải trả năm 2020 là hơn 1.522 tỷ đồng; năm 2021 tăng vọt lên 2.541 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước đó.

Bước sang năm 2022, nợ phải trả “phình to” lên hơn 2.931 tỷ đồng, tăng thêm hơn 390 tỷ đồng sau 12 tháng. Như vậy, sau 3 năm nợ phải trả của công ty đã tăng gấp gần 2 lần.

Công ty Đại Phong từng liên danh với Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An-TAG (Tập đoàn Thuận An) trúng gói thầu trị giá hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2021

Về vốn chủ sở hữu, trong giai đoạn 2020 – 2022, vốn chủ sở hữu của Công ty Đại Phong tăng nhẹ qua từng năm. Từ 705 tỷ đồng (năm 2020) lên 710 tỷ đồng (năm 2021) và tới năm 2022 là hơn 717 tỷ đồng.

Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Công ty Đại Phong trong giai đoạn 2020 – 2022 tương ứng lần lượt: gấp 2,2 lần; gấp 3,6 lần và gấp 4,1 lần. Điều này cho thấy tài sản của Công ty Đại Phong được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ.

Theo lý thuyết, tỷ lệ này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn. Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.

Đồng hành cùng ông lớn Tổng công ty 319

Trong khi đó, về phía liên danh Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) có địa chỉ tại đường Lê Văn Lương, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tiền thân là Sư đoàn 319/Quân khu 3, thành lập ngày 7/3/1979 theo quyết định số 231 của Bộ Quốc phòng.

Thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong Quân đội giai đoạn 2008 - 2010 của Chính phủ, ngày 4/3/2010, Bộ Quốc phòng có quyết định chuyển Công ty xây dựng 319 thành Công ty TNHH MTV 319 hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con; với 25 ngành nghề sản xuất, kinh doanh, quy mô hoạt động trên toàn quốc và mở rộng địa bàn sang các nước khu vực Đông Nam Á.

Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) có địa chỉ tại đường Lê Văn Lương, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Theo giới thiệu, hiện nay Tổng công ty 319 có 12 phòng chức năng, 7 Công ty TNHH một thành viên; 6 Công ty cổ phần do Tổng công ty nắm cổ phần chi phối; 9 Xí nghiệp, Chi nhánh thành viên; 7 Ban Quản lý Dự án thực hiện chức năng đại diện Chủ đầu tư; 5 Ban điều hành xây lắp; 3 Công ty liên kết với 38 ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Địa bàn hoạt động khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, từ thời điểm năm 2016 tham gia mạng đấu thầu quốc gia đến nay, Tổng công ty 319 đã tham gia đấu và trúng tới 496 gói với tổng giá trị trúng thầu hơn 52.311,49 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là hơn 9.074,26 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh là hơn 43.237,23 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, Tổng công ty 319 từng tham gia đấu và trúng tới 8 gói thầu, với tổng giá trị trúng thầu hơn 800,37 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng công ty 319 cũng là “khách quen” tại Ban QLDA Phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng (thành phố Hải Phòng) khi trúng tới 6 gói thầu tại đây, tổng trị giá lên tới hơn 2.794,90 tỷ đồng.

Xây dựng hạ tầng Đại Phong: Đổ 400 tỷ làm Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu

Xây dựng hạ tầng Đại Phong: Đổ 400 tỷ làm Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu

Bất động sản
(VNF) - Theo kế hoạch, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 6/2024. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Cùng chuyên mục
EVN  lỗ hơn 21.800 tỷ đồng, giá điện sẽ có đợt tăng mới?

EVN lỗ hơn 21.800 tỷ đồng, giá điện sẽ có đợt tăng mới?

(VNF) - Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận số lỗ hơn 21.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 872 triệu USD.

Hawee M&E bị phạt 2,3 tỷ, truy thu 11 tỷ tiền thuế

Hawee M&E bị phạt 2,3 tỷ, truy thu 11 tỷ tiền thuế

(VNF) - Cục thuế thành phố Hà Nội quyết định truy thu thuế hơn 11 tỷ đồng đối với Hawee M&E do loạt tồn tại trong việc kê khai, nộp thuế.

Bà Năm 'trà': Bước ngoặt tuổi 60, quyết định khởi nghiệp khi nằm viện

Bà Năm 'trà': Bước ngoặt tuổi 60, quyết định khởi nghiệp khi nằm viện

(VNF) - “Cuộc đời tôi, từ khi sinh ra, đến lúc trưởng thành, lấy chồng nuôi con và lập nghiệp đã trải qua đủ mùi cay đắng với đủ tên gọi gắn liền những quãng đời gian truân, khổ ải của mình”, bà Năm “trà” bộc bạch.

LAMORI: Kiệt tác trong từng nét họa

LAMORI: Kiệt tác trong từng nét họa

(VNF) - Nằm trên mảnh đất Thanh Hóa màu mỡ, LAMORI Resort & Spa mang một vẻ đẹp đầy tự hào và kiêu hãnh, được ví von như bức tranh thủy mặc trên đất Lam Kinh.

Hạ độ tuổi trưởng thành, ngày càng nhiều người trẻ Nhật Bản 'mắc kẹt' trong nợ nần

Hạ độ tuổi trưởng thành, ngày càng nhiều người trẻ Nhật Bản 'mắc kẹt' trong nợ nần

(VNF) - Một hậu quả đáng sợ của việc Nhật Bản hạ độ tuổi trưởng thành xuống 18 vào năm 2022 có vẻ đã trở thành sự thật - đó là sự gia tăng số lượng người trẻ gặp khó khăn về nợ nần.

Đón đọc Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân

Đón đọc Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân

(VNF) - Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân do Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance sản xuất, sắp ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024).

Về tay đại gia Lê Trường Kỹ, Landmark Đà Nẵng 1.600 tỷ giờ ra sao?

Về tay đại gia Lê Trường Kỹ, Landmark Đà Nẵng 1.600 tỷ giờ ra sao?

(VNF) - Landmark Đà Nẵng rộng 3765,1m2 đang trong quá trình triển khai. Đây chính là dự án có sự xuất hiện doanh nghiệp của đại gia Lê Trường Kỹ.

'Lướt' nhanh 5 triệu cổ phiếu VND, Quản lý Quỹ NH Công Thương thu lãi 50 tỷ đồng

'Lướt' nhanh 5 triệu cổ phiếu VND, Quản lý Quỹ NH Công Thương thu lãi 50 tỷ đồng

(VNF) - Công ty Quản lý quỹ NH TMCP Công thương Việt Nam là cổ đồng lớn của VICONSHIP dự thu lợi nhuận gộp bao nhiêu từ thương vụ VICONSHIP thâu tóm VINASHIP?

Nới lỏng tiền tệ: Mong muốn đi kèm áp lực

Nới lỏng tiền tệ: Mong muốn đi kèm áp lực

(VNF) - Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và điều này cần phát huy sự nhịp nhàng của các chính sách.