Bầu Đức: "Cảm giác bị ngân hàng quấy rầy nhục lắm, nếu có lòng tự trọng"

Khổng Chiêm - 16/12/2023 12:28 (GMT+7)

(Dân trí) - Đi qua nhiều thăng trầm, bầu Đức cho rằng bản thân sẽ rất thận trọng, không để xảy ra rủi ro thêm lần nào khác. Ông khẳng định Hoàng Anh Gia Lai không làm gì khác ngoài nông nghiệp.

VNF

Trả nợ, trả nợ và... trả nợ

Gặp gỡ các nhà đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) nhấn mạnh nhiệm vụ bắt buộc đến năm 2025 công ty phải trả hết nợ. Sau 3 năm, lợi nhuận sẽ ổn định ở mức 3.000-4.000 tỷ đồng.

"Nhiệm vụ của tôi là làm điều đó, không phải là làm giá (cổ phiếu - PV) bao nhiêu. Tôi tin nếu làm được, chia lợi nhuận đều đặn, xóa lỗ lũy kế thì giá cổ phiếu HAG sẽ tốt lên", ông Đức bộc bạch.

Thời gian gần đây, HAGL đã liên tục công bố thông tin về việc xử lý các khoản nợ, cơ cấu nợ.

Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (công ty con của HAGL) đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.

Hay HAGL cũng đã thanh toán 200 tỷ đồng nợ gốc lô trái phiếu có mã HAGLBOND16.26. Số tiền này đến từ việc thu nợ của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Bầu Đức khẳng định nhiệm vụ của mình là HAGL trả hết nợ (Ảnh: HAG).

 

Bầu Đức cho biết HAGL Agrico nợ HAGL tổng cộng 2.100 tỷ đồng, năm 2022 đã trả 600 tỷ đồng, năm 2023 đã trả 400 tỷ đồng, tháng 12 còn 100 tỷ đồng. Còn 1.000 tỷ đồng sẽ được trả vào quý III/2024.

Ngoài ra, HAGL cũng đã bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai thu về 180 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến để trả nợ trái phiếu HAGL được phát hành năm 2016 cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngoài việc bán tài sản, thu nợ, HAGL còn dự kiến huy động 1.300 tỷ đồng  từ 3 nhà đầu tư gồm Chứng khoán LPBank, Tập đoàn Thaigroup và nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Đức Quân Tùng.

Dự kiến, tiền huy động được sẽ thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu trị giá 330 tỷ đồng, cơ cấu lại các khoản nợ vay 269 tỷ đồng tại TPBank và bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng).

Từ năm 2016, HAGL nợ vay tài chính hơn 26.600 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, báo cáo tài chính ghi nhận công ty còn nợ khoảng 7.778 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 1,4 lần.

Từ đỉnh cao rồi thất bại xuống âm phủ ngồi cho người ta khinh

Bầu Đức thừa nhận bản thân là người có nợ lớn, hiểu cảm giác của người mang nợ, hiểu cảm giác của người mất thanh khoản. Nhưng từ nợ gần 27.000 tỷ đồng vào năm 2016, đến nay công ty còn nợ hơn 6.000 tỷ đồng, ông tin HAGL có thể xử lý được hết nợ bằng chiến lược "2 cây 1 con" (sầu riêng, chuối, heo) với doanh thu tăng trưởng bền vững.

"Tôi từng phát triển nóng, đầu tư tràn lan, đã thấm đòn nên hiểu nhất chuyện này. Ở Việt Nam, đầu tư đa ngành không được, tôi cũng không còn thời gian chuyển qua ngành khác, làm nông nghiệp là được rồi, không cần đao to búa lớn nhiều ngàn tỷ. Tôi cũng xây dựng kế hoạch 2 năm một lần, không phải 5 năm, ông nào nói 5 năm là nói phét. Tôi tuyên bố 2 năm thôi, cuối 2025 sẽ xử lý dứt điểm nợ, lúc đó vui như Tết", Chủ tịch HAGL trần tình.

Tự nhận là người đi từ thấp nhất lên đỉnh cao năm 2017-2012 rồi "thất bại, xuống âm phủ ngồi cho người ta khinh", ông Đức hiểu cảm giác nợ bị ngân hàng quấy rầy. Ông nói là "nhục lắm, nếu có lòng tự trọng". Cho nên, dù rất quý Công ty Nông nghiệp HAGL, ông vẫn phải bán đi (bán cho Thaco - ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch) để trả nợ.

Nhiều ngân hàng muốn cho HAGL vay nhưng vay làm gì?

Bầu Đức cho rằng HAGL hiện nay chưa phải là tốt nhưng đang trên đường tốt lên. Khi bán Công ty Nông nghiệp HAGL, HAGL là con số 0 tròn trịa. Nhưng từ năm 2021 đến nay, khi HAGL quyết tâm đầu tư nông nghiệp, dòng tiền đã ổn định hơn.

"Tôi có quyền ngủ ngon sau nhiều năm. Ai còn giữ cổ phiếu HAG thì nên cám ơn tôi, vì tôi đã rất nỗ lực, giá cổ phiếu HAG từ 3.000-4.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên bây giờ. Nhà đầu tư chơi thì có lúc thắng lúc thua, nhưng lỡ thua thì chửi tôi dữ lắm", ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, khi HAGL tốt lên, nhiều ngân hàng đề nghị cho công ty vay mặc dù 2 năm trước không ai dám cho vay. "Nhưng giờ vay để làm gì, vay để trả lãi hay sao", Chủ tịch HAGL đặt câu hỏi.

Ông Đức nhận thấy lãi suất cho vay ở Việt Nam trên 10%/năm, thậm chí phát hành trái phiếu 15%/năm chưa tính các loại phí đi kèm, trong khi nước ngoài chỉ vài %, doanh nghiệp sẽ kinh doanh như thế nào?

Bầu Đức chia sẻ về những thăng trầm, khẳng định sẽ thận trọng (Video: Khổng Chiêm).

Đi qua thăng trầm, đắng cay, ông Đức khẳng định sẽ thận trọng, không để xảy ra rủi ro thêm lần nữa. Thừa nhận là người đã có tuổi, "chiến đấu" trên thương trường nhiều năm, doanh nhân vừa đón sinh nhật tuổi 60 tuyên bố không làm gì khác ngoài nông nghiệp.

"HAGL đã tồn tại 30 năm. Tôi không bao giờ suy nghĩ phải đầu tư cái này cái kia, bỏ ra số vốn quá lớn rồi vay ngân hàng, đối mặt rủi ro. Thị trường bây giờ nhiều doanh nghiệp như ngồi trên dây điện, họ rất khổ", ông Đức bày tỏ.

Theo Dân Trí
Cùng chuyên mục
Tin khác