Ngân hàng

Bầu Kiên và người nhà bán bớt 2,46% vốn tại Vietbank

(VNF) - Ông Nguyễn Đức Kiên ("bầu Kiên") và người thân của bà Đặng Ngọc Lan (vợ "bầu Kiên") vừa đăng ký thoái bớt cổ phần nắm giữ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương tín (VietBank).

Bầu Kiên và người nhà bán bớt 2,46% vốn tại Vietbank

Cụ thể, từ ngày 20/12/2017- 31/12/2018, ông Nguyễn Đức Kiên ("bầu Kiên") sẽ chuyển nhượng thỏa thuận tương đương 4.080.966 cổ phần do ông này nắm giữ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương tín (Vietbank, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).

Hiện bầu Kiên đang nắm giữ 14.775.000 cổ phần Vietbank, nếu giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữa của bầu Kiên sẽ giảm xuống 3,32% vốn, tương đương 10.694.034 cổ phần Vietbank.

Bên cạnh đó, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh (bố và mẹ bà Đặng Ngọc Lan), đang nắm giữ 8.039.800 cổ phần (2,47%) và 14.069.800 cổ phần (4,33%), cũng đăng ký chuyển nhượng 1.249.934 cổ phần và 2.797.982 cổ phần Vietbank.

Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phần nắm giữ của ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh sẽ giảm xuống lần lượt còn 6.796.866 cổ phần (tương ứng 2,1% vốn) và 11.271.818 cổ phần Vietbank (tương ứng với 3,47% vốn).

Hiện tại bà Đặng Ngọc Lan cũng đang nắm giữ 14.970.000 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), tỷ lệ 4,61% vốn Vietbank và đang là thành viên Hội đồng Quản trị của Vietbank; đồng thời bà Lan cũng là Phó ban Kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Á Châu (ACB).

Như vậy, sau khi thoái vốn thành công, nhóm người nhà bầu Kiên còn nắm giữ 13,5% vốn điều lệ của Vietbank.

Được biết, VietBank là một trong những tổ chức tín dụng nhỏ nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện nay. Với quy mô vốn điều lệ 3.249 tỷ đồng, VietBank chỉ vừa đủ để đáp ứng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng) theo quy định của Luật các Tổ chức Tín dụng.

Tính đến giữa năm 2017, mạng lưới của VietBank mới có 96 điểm chi nhánh và phòng giao dịch tại 11 tỉnh thành. Về sản phẩm cung cấp của VietBank, chủ yếu vẫn là huy động và cho vay, dịch vụ để thu phí còn rất khiêm tốn.

Về sức khỏe tài chính, nhiều năm trước đó, VietBank đã liên tiếp thua lỗ. Mức lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2015 của Vietbank là gần 329 tỷ đồng, tuy nhiên, tính đến 30/9/2017, khoản lỗ lũy kế này đã giảm xuống còn gần 190 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của VietBank đến cuối năm 2016 ở mức 1,7% và đã loại trừ cho vay cầm cố bằng cổ phiếu STB (đang được phong tỏa bởi NHNN) ra khỏi tỷ lệ nợ xấu theo chấp thuận cho cơ cấu lại và được giữ nguyên nợ nhóm 1 của NHNN. 

Tin mới lên