Tài chính quốc tế

BĐS thương mại nguy cơ sụp đổ, các ngân hàng Mỹ có thể mất thêm 160 tỷ USD

(VNF) - Một nghiên cứu mới từ Đại học Nam California (USC) cho thấy lĩnh vực bất động sản thương mại của Mỹ đang có nguy cơ xảy ra một vụ sụp đổ lớn nhất kể từ năm 2008, và điều này có thể khiến các ngân hàng trong nước thiệt hại tới 160 tỷ USD.

BĐS thương mại nguy cơ sụp đổ, các ngân hàng Mỹ có thể mất thêm 160 tỷ USD

Thị trường BĐS thương mại Mỹ duy trì tình trạng ảm đạm từ đầu năm 2023.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại USC đánh giá tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn đối với ngành bất động sản thương mại và hệ thống ngân hàng Mỹ.

Theo báo cáo có tiêu đề "Thắt chặt tiền tệ, khó khăn về bất động sản thương mại và sự mong manh của ngân hàng Mỹ", ước tính rằng xu hướng làm việc từ xa và lãi suất tăng trong thời gian dài khiến giá trị tài sản bất động sản thương mại giảm, dẫn tới tình trạng khoảng 14% tổng số khoản vay và 44% khoản vay đầu tư văn phòng thương mại có vốn chủ sở hữu âm, nghĩa là giá trị hiện tại thấp hơn số dư nợ cho vay.

Kết quả là, 10-20% trong tổng số các khoản vay bất động sản thương mại có thể dẫn tới tình trạng vỡ nợ và các ngân hàng có thể thiệt hại khoảng 160 tỷ USD, theo nghiên cứu.

"Bằng chứng này cho thấy rằng nếu lãi suất vẫn ở mức cao và giá trị tài sản không phục hồi, tỷ lệ vỡ nợ có thể đạt đến mức tương đương hoặc thậm chí vượt qua mức đã thấy trong cuộc Đại suy thoái", các nhà khoa học nhận định.

Các chuyên gia khác cũng cảnh báo về rắc rối đối với lĩnh vực bất động sản thương mại, vì ngành này có khoản nợ khoảng 1.500 tỷ USD chuẩn bị được đáo hạn trong những năm tới.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng Mỹ đã hứng chịu những "cú sốc" phá sản nhà băng vào đầu năm nay, nghiên cứu từ USC làm dấy lên lo ngại về việc các ngân hàng thua lỗ do đầu tư hoặc cho vay đầu tư BĐS thương mại có thể dẫn tới các vụ phá sản khác.

Trong báo cáo nghiên cứu, các nhà nghiên cứu ước tính rằng trong trường hợp một nửa số người gửi tiền không có bảo hiểm rút sạch tài khoản, tổn thất liên quan đến bất động sản thương mại có thể khiến 31-67 ngân hàng nhỏ của Mỹ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, và khoảng 340 ngân hàng khác có thể mất khả năng thanh toán do ảnh hưởng từ lãi suất tăng cao dẫn tới thua lỗ.

"Nếu tình trạng khó khăn về các khoản vay BĐS thương mại (CRE) như vậy xuất hiện vào đầu năm 2022 khi lãi suất thấp, thì sẽ không có ngân hàng nào phá sản, ngay cả trong kịch bản bi quan nhất", nhóm nghiên cứu USC cho biết.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm tài sản của các ngân hàng sau đợt thắt chặt tiền tệ kéo dài từ năm 2022 đã khiến các ngân hàng mất đi lợi thế đáng kể để chống chọi với các điều kiện bất lợi. "Sự rủi ro này khiến các ngân hàng dễ gặp rủi ro về khả năng thanh toán".

Tình trạng ổn định của hệ thống ngân hàng Mỹ hiện vẫn là một trong những ưu tiên của nhà đầu tư. Hồi tháng 8, cơ quan xếp hạng Moody' đã hạ xếp hạng tín dụng của 10 ngân hàng lớn và vừa của Mỹ, đồng thời đặt một số ngân hàng khác vào danh sách xem xét, một phần do rủi ro cao hơn đối với các tài sản ngân hàng.

Xem thêm >> Các 'ông lớn' công nghệ Mỹ chi hơn 1.600 tỷ USD vào bất động sản thương mại

Tin mới lên