Bất động sản

BĐS tuần qua: FLC được xây tòa tháp 72 tầng, Đà Nẵng buộc cưỡng chế sai phạm của Mường Thanh

(VNF) - Hải Phòng thống nhất chủ trương đầu tư toà tháp 72 tầng FLC, Đà Nẵng ra quyết định cưỡng chế sai phạm của Mường Thanh, cư dân Đoàn ngoại giao “dài cổ” chờ sổ đỏ, Hạ Long sắp có khu đô thị dành cho chuyên gia, người lao động của doanh nghiệp Trung Quốc?... là những thông tin bất động sản đáng chú trong tuần qua.

BĐS tuần qua: FLC được xây tòa tháp 72 tầng, Đà Nẵng buộc cưỡng chế sai phạm của Mường Thanh

FLC sắp xây tòa tháp 72 tầng tại Hải Phòng

FLC sắp xây tòa tháp 72 tầng tại Hải Phòng

Ngày 23/10, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Lê Văn Thành đã trao đổi, cho ý kiến về chủ trương đầu tư và phương án kiến trúc dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại khu đất số 4 đường Trần Phú, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền cho Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Tổng diện tích khu đất là 13.486 m2; dự kiến xây dựng 72 tầng với chiều cao 290 m, trong đó có 2 tầng hầm và 70 tầng nổi, bao gồm trung tâm thương mại, khu khách sạn, căn hộ dịch vụ và khu văn phòng.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là hơn 3.472 tỷ đồng, khởi công cuối quý I/2020, được thực hiện trong 60 tháng và hoàn thành năm 2024. Dự kiến sau khi hoàn thành toà tháp sẽ là một trong ba toà tháp cao nhất Việt Nam.

Trên cơ sở thống nhất chủ trương đầu tư dự án và phương án kiến trúc do FLC đưa ra, lãnh đạo Hải Phòng đề nghị FLC sớm triển khai các bước tiếp theo, đồng thời cam kết ưu tiên, tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, tạo điều kiện để Tập đoàn sớm hoàn thành các thủ tục cho thuê đất và các thủ tục pháp lý cần thiết. (Xem thêm)

Đà Nẵng ra “tối hậu thư” buộc cưỡng chế tháo dỡ tại Mường Thanh

Ngày 22/10, UBND quận Ngũ Hành Sơn công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về việc cưỡng chế hạng mục sai phạm tại tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà tại số 270 Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn (Mường Thanh Luxury Đà Nẵng).

Theo đó, chủ đại diện cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là ông Lê Thanh Thản đã có hành vi vi phạm hành chính khi xây dựng công trình sai so với nội dung giấy phép xây dựng được cấp số 235/GPXD do Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp ngày ngày 17/2/2016 đối với công trình tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà.

Cụ thể, tại tầng 25, chủ đầu tư xây dựng sai phép, thay đổi công năng chuyển thành 1 phòng lớn. Tầng 35, theo nội dung cho phép là vị trí lánh nạn, tuy nhiên chủ đầu tư thay đổi công năng chuyển thành 8 phòng ở.

Tại tầng 41, chủ đầu tư xây dựng sai phép, tự ý mở rộng diện tích xây dựng với diện tích khoảng 2.129m2 và bố trí thành 26 phòng. Tầng 42, chủ đầu tư cũng tự ý mở rộng diện tích xây dựng lên đến 2.129,52m2 và bố trí thành 23 phòng. Tại tầng 42 (tầng mái), chủ đầu tư đã tự ý cơi nới, tăng thêm 2 tầng với diện tích 562,8m2/tầng.

Ngoài ra, chủ đầu tư đã xây dựng sai phép tại các tầng 2, 3, 4, 5 của hạng mục khối nhà chung cư thuộc Mường Thanh Luxury từ khu vực nhà trẻ, nhà sinh hoạt… thành 26 căn hộ/tầng, với tổng số 104 căn hộ xây dựng trái phép. (Xem thêm)

Cư dân Đoàn ngoại giao "dài cổ" chờ sổ đỏ

Ngày 17/10, UBND TP. Hà Nội đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp về việc cấp sổ đỏ tại dự án khu Ngoại giao đoàn.

UBND TP. Hà Nội cho biết dự án khu Đoàn ngoại giao của Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) và một số dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, có việc chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa hoàn thiện thủ tục.

Điều này dẫn đến dự án Đoàn ngoại giao không đủ điều kiện cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại dự án và một số nhà đầu tư thứ cấp không đủ điều kiện để tiếp tục triển khai dự án.

Trước thực tế trên, UBND TP. Hà Nội giao Văn phòng UBND thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp hồ sơ, chuẩn bị báo cáo của UBND thành phố; đề xuất UBND thành phố tổ chức họp với các bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các nhà đầu tư liên quan trong tháng 10/2019 để thống nhất các biện pháp xử lý khắc phục, thu nghĩa vụ tài chính và cấp sổ đỏ (đối với dự án đã hoàn thành xây dựng) và triển khai đối với các dự án đang xây dựng dở dang.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Hancorp và HUD chuẩn bị báo cáo làm rõ quá trình hình thành dự án, việc giao đất và các thiếu sót.... báo cáo UBND thành phố.

Trước mắt, Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện và cấp sổ đỏ cho các căn hộ dân cư. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết hoàn chỉnh các nghĩa vụ tài chính phát sinh (Xem thêm)

Hạ Long sắp có khu đô thị dành cho chuyên gia, người lao động của doanh nghiệp Trung Quốc?

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án của Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) trên địa bàn tỉnh và kế hoạch đầu tư tiếp theo của tập đoàn trong thời gian tới.

Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trước một số kiến nghị của Texhong về dự án nhà máy sản xuất vải denim dệt kim và vải nhuộm dệt kim, tỉnh yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt xong trong tháng 10/2019.

Theo đó, Tập đoàn Texhong đang muốn đầu tư khu đô thị phục vụ chuyên gia, người lao động của doanh nghiệp này tại TP. Hạ Long.

Trước đề xuất này, tỉnh yêu cầu có đề xuất cụ thể bằng văn bản về nội dung này trước ngày 25/10/2019, đồng thời giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND TP. Hạ Long hướng dẫn Texhong xác định địa điểm phù hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh. (Xem thêm)

Bình Định thu hồi dự án 5.000 tỷ đầm Thị Nại 

UBND tỉnh Bình Định đã thu hồi Quyết định số 4429/QĐ-UBND của tỉnh (ngày 14/12/2018) về việc cho thuê đất, giao đất cho Công ty Cổ phần Thị Nại Eco Bay thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại (tại 2 phường Đống Đa và Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn).

Lý do thu hồi quyết định trên là để thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 công trình khu du lịch sinh thái biệt thự đầm Thị Nại theo quy định.

Dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại có quy mô diện tích 117ha, tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ đồng. Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2663 ngày 01/8/2019.

Theo giới thiệu, dự án sẽ có 982 biệt thự, khu dịch vụ thương mại rộng 2,45ha, khu resort trên mặt nước và nhà hàng, khách sạn trên đảo...

Thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống tại phường Đống Đa (TP. Quy Nhơn) bức xúc kéo lên UBND phường này để phản ánh việc Công ty Thị Nại Eco Bay tự ý hút cát ở diện tích mặt nước ven đầm Thị Nại gây ảnh hưởng đến sinh thái, sinh kế của ngư dân. Người dân cũng lo ngại rằng, việc xây biệt thự cao tầng, khu đô thị lấn đầm Thị Nại sẽ gây tác động xấu đến sinh thái môi trường, vành đai xanh của TP. Quy Nhơn. (Xem thêm)

Tin mới lên